Vấn đề hôm nay:

Mở hướng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn!

(NTO) Khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NN,NT) nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn, tháo gỡ những rào cản trong phát triển... tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh cho DN yên tâm đầu tư và phát triển… là chủ trương lớn của Chính phủ. Đối với tỉnh ta, những năm qua bằng nhiều nỗ lực của tỉnh, ngành và các địa phương đã tạo chuyển biến tích cực về NN,NT, đặc biệt là đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có “hàm lượng” khoa học công nghệ cao...

Công ty Cổ phần rau câu Sơn Hải chế biến rong sụn tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng quy mô sản xuất của nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, tự phát, sản xuất chưa gắn với chế biến... nên hiệu quả còn thấp. Mặt khác chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào NN,NT do còn một số khó khăn trong tiếp cận hạ tầng điện, nước, giao thông, mặt bằng sản xuất, vốn... Đó là chưa nói đến còn nhiều yếu tố rủi ro, lợi nhuận thấp... nên khó hấp dẫn các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh mới có 34 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chỉ chiếm 13,3% tổng số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong toàn tỉnh, với số vốn tăng đăng ký trên 2.000 tỷ đồng, chỉ bằng 3,6% tổng vốn đăng ký của các dự án!.

Để khắc phục thực trạng nêu trên bằng chính sách thu hút đầu tư với cơ chế thông thoáng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, vừa qua UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế NN,NT của tỉnh và đã ban hành quy định về một số chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, trước mắt có 2 lĩnh vực được hỗ trợ đầu tư: một là, hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, với mức hỗ trợ thấp nhất là 1 tỷ đồng/dự án để xây dựng hạ tầng điện, nước trong hàng rào dự án. Trường hợp chưa có đường giao thông, hệ thống điện đến hàng rào dự án thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí để xây dựng các hạng mục này nhưng không quá 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô dự án phải đạt công suất giết mổ tối thiểu 200 con gia súc hoặc 100 con gia súc và 1.000 con gia cầm/ngày đêm. Hai là, hỗ trợ đầu tư cho các dự án là cơ sở bảo quản, chế biến nho, táo; chế biến thịt gia súc, gia cầm. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 60% chi phí với tổng mức không quá 1,5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước trong hàng rào dự án. Trường hợp dự án chưa có các hạ tầng này đến hàng rào thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng và không quá 2 tỷ đồng/dự án... Để được hỗ trợ yêu cầu về phía doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như giá trị sản phẩm sau chế biến phải tăng ít nhất 1,5 lần so giá trị nguyên liệu; phải sử dụng ít nhất 60% nguyên liệu nông sản tại địa phương... Ngoài ra, yêu cầu chung là phải đảm bảo các điều kiện về môi trường, an toàn thực phẩm; sử dụng tối thiểu 30% tại địa phương trong tổng số lao động của DN...

Chung quy lại, hướng mở cho các DN muốn đầu tư vào NN,NT đã có với chính sách ưu đãi cần thiết để tạo thêm động lực và niềm tin cho DN. Vấn đề còn lại là quyết tâm hay không từ phía các DN có thiện chí làm ăn, tìm kiếm lợi nhuận từ các lợi thế về cây trồng, vật nuôi “mang tầm” đặc sản của tỉnh mà thôi.