Vấn đề hôm nay:

“Bà đỡ” cho thương hiệu!

(NTO) Những năm gần đây, một số nông hộ trồng rau đã ý thức được việc cung cấp rau an toàn cho thị trường là cần thiết và là hướng đi đúng trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Có nhiều mô hình được hình thành để sản xuất như liên kết thành tổ, đội; một số địa phương còn thành lập hợp tác xã với quy mô sản xuất rau hàng chục ha, đa dạng hóa các sản phẩm rau... với mong muốn ổn định được đầu ra!.

Có thể nói, để sản xuất rau an toàn yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ chọn giống, bón phân đúng cách, không sử dụng thuốc trừ sâu... bảo đảm đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nơi còn phấn đấu đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Hiệu quả mang lại đã được khẳng định đó là vừa tăng thu nhập, việc làm vừa bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Sở Khoa học& Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông dân xã An Hải trồng cây măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đặc biệt là đã tạo được chỉ số niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm. Đây được xem là “cái gốc” tạo nên giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào thị trường trong tỉnh nói chung và nhất là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm sản phẩm rau an toàn chưa được “khẳng định” tại các chợ đầu mối, siêu thị… bởi sự lẫn lộn giữa rau an toàn với rau thường. Nếu có dịp đi chợ nhiều người sẽ không khó nhận ra điều đó.

Và ngay cả người bán hàng vốn là người biết rõ để “quảng bá” thì cũng “mù mờ” về nguồn gốc của các loại rau, trong đó cũng có nguyên do từ phía người mua vì ham rẻ nên buộc người bán phải mua rau giá rẻ để bán, trong khi mua rau an toàn thường giá thành có cao hơn. Điều cũng đáng nói nữa là do chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường nên hầu như chưa có hàng rau nào để bảng hướng dẫn phân loại giữa rau an toàn với rau thường kể cả niêm yết giá cả để người tiêu dùng lựa chọn. Chung quy lại, mô hình sản xuất rau an toàn của tỉnh đã có, đã tồn tại nhưng còn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà chưa chú trọng giữ thương hiệu thông qua “chuỗi giá trị” từ sản xuất đến tiêu thụ như một số địa phương khác đã làm có hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào khắc phục tình trạng nêu trên?. Theo các chuyên gia, trong sản xuất nông nghiệp để có đầu ra ổn định từ giá cả đến thị trường tiêu thụ không thể thiếu mối “liên kết 4 nhà”. Hay nói khác hơn cùng với yếu tố về vốn, kỹ thuật thì phải có doanh nghiệp đủ mạnh “chống lưng”, làm “bà đỡ” để vừa tạo được thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, vừa tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị... Muốn vậy, tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng, liên quan triển khai nhiều nhóm chính sách hỗ trợ như đào tạo lao động nông thôn mang tính chuyên nghiệp, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất theo đơn vị diện tích thông qua khuyến nông; có chính sách ưu đãi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ... Đồng thời chủ động hợp tác với các doanh nghiệp chuyên ngành để tạo cơ sở bước đầu cho nông dân.

Nông dân chủ động từ sản xuất đến thị trường là cần thiết nhưng rất cần “xung lực” từ phía các ngành chức năng, liên quan để tạo ra nhiều sản phẩm đủ cung cấp cho thị trường chứ không phải nhỏ lẻ, bán “hàng chợ” như hiện nay.