Góp ý một số quy định đối với người chưa thành niên phạm tội

Việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ theo nguyên tắc không được quá mạnh làm cho họ thấy quá bất công, nhưng không được quá nhẹ để tránh hiện tượng “nhờn luật”.

Trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Điều báo động là ở chỗ, những tội phạm mà các vị thành niên thực hiện lại là những loại tội phạm hết sức nghiêm trọng. Vấn đề này đã gây bức xúc và nhiều tranh cãi trong dư luận về việc có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay có cần quy định phải áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng không? Đối với các trường hợp thực hiện tội phạm không mấy nghiêm trọng thì chính sách xử lý như thế nào cho phù hợp?

Cân nhắc các phương án về biện pháp thay thế xử lý hình sự

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mặc dù kế thừa quy định trước đây nhưng đã chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).

Cụ thể, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

Nếu các đối tượng này thực hiện tội phạm khác (hoặc người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý; hay người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án) thì việc xử lý được quy định tại Điều 89 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như sau:

Theo phương án 1 là “không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà được áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự theo quy định tại Mục B Chương này”. Còn theo phương án 2 là “được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục”.

Người viết nhất trí với Dự thảo là giữ nguyên quy định về độ tuổi theo Bộ luật Dân dự hiện hành. Tuy nhiên, về vấn đề đưa ra phương án quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự, theo người viết là chưa hợp lý bởi 3 lý do sau đây:

Thứ nhất, chủ thể của tội phạm là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm, mà độ tuổi là một trong những điều kiện bắt buộc để đánh giá năng lực chủ thể tội phạm. Nếu không thỏa mãn điều kiện về độ tuổi thì cũng không thỏa mãn điều kiện về chủ thể của tội phạm, như vậy không bị coi là người phạm tội và đương nhiên không phải chịu TNHS. Do đó, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự nữa.

Thứ hai, theo người viết hiểu, mục đích Dự thảo đưa ra các biện pháp thay thế xử lý hình sự ở đây là nhằm tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng thì việc áp dụng cách thức xử lý như vậy không bảo đảm được hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Trong khi đó, các biện pháp thay thế xử lý hình sự được đưa ra trong Dự thảo thì có biện pháp mang tính răn đe, cảnh cáo, nhưng có biện pháp chủ yếu mang tính chất tìm ra hình thức giải quyết hậu quả pháp lý đối với hành vi mà người chưa thành niên phạm tội thực hiện chứ chưa coi trọng yếu tố phòng ngừa tội phạm (hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức).

Thứ ba, Dự thảo đã quy định cụ thể những tội phạm mà người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS như tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em... Đối với quy định mới này, người viết hiểu rằng nhà làm luật muốn cụ thể hóa các quy định, các trường hợp để cơ quan chức năng dễ dàng và mạnh dạn áp dụng.

Tuy nhiên, liệu có chắc rằng chỉ những tội phạm được kể tên như trong Dự thảo mới là tội phạm cần bị xử lý nghiêm khắc, trong khi các quan hệ xã hội luôn vận động, các điều kiện kinh tế-xã hội mới thay đổi thì tội phạm cũng sẽ xuất hiện và biến đổi với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, hậu quả và những hệ lụy từ nó cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Đến một thời điểm nào đó, chính quy định này sẽ bó hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm một tội phạm nào đó rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Theo quan điểm của người viết, nên giữ nguyên quy định tại khoản 2, Điều 69 và Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành (người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu TNHS đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng).

Đồng thời, quy định cụ thể hơn các điều kiện để được miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để áp dụng trên thực tế.

Nêu rõ điều kiện áp dụng để tránh “quy định treo”

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Nhưng lại có quy định về việc áp dụng biện pháp tư pháp tại khoản 4 Điều 69.

Như vậy, Bộ luật Hình sự hiện hành về hình thức không gọi các biện pháp tư pháp là biện pháp thay thế xử lý hình sự, nhưng thực chất nội dung của nó hoàn toàn là một biện pháp xử lý không hề mang tính hình sự.

Để bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, phù hợp với các nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh, cũng như tránh hiện tượng trùng lặp dễ nhầm lẫn thì trong Dự thảo không nên quy định thêm các biện pháp thay thế xử lý hình sự mà vẫn giữ nguyên các quy định về các biện pháp tư pháp như trong Điều 70 của Bộ luật Hình sự hiện hành và có thể bổ sung biện pháp khiển trách vào nhóm các biện pháp này.

Điều 70 của Bộ luật Hình sự hiện hành nên được sửa lại như sau:

“Điều… Các biện pháp tư pháp

Trong trường hợp xét thấy người chưa thành niên phạm tội không đủ các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng việc áp dụng hình phạt lại quá nặng thì Tòa án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp dưới đây tùy theo mức độ nặng nhẹ để đủ sức răn đe, giáo dục người phạm tội:

1. Khiển trách.

2. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Đưa vào trường giáo dưỡng”.

Tuy nhiên, mỗi biện pháp cần quy định rõ điều kiện áp dụng và chủ thể có trách nhiệm áp dụng, nhằm tránh tình trạng để “quy định treo” như hiện nay.

Xây dựng quy định về hình phạt theo nguyên tắc cân bằng

Quy định về hình phạt trong Dự thảo về cơ bản là vẫn giữ nguyên các loại hình phạt được phép áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Nhưng đối với một số hình phạt, thì nội dung, điều kiện áp dụng có quy định khác đi.

Cụ thể, tại Điều 99 Dự thảo về hình phạt tiền “được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng”, không phân biệt người chưa thành niên phạm tội ở trong độ tuổi nào (trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi).

Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 100 của Dự thảo có điểm mới sau: “Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này”.

Hình phạt tù có thời hạn vẫn giữ nguyên như quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Đây là những quy định phù hợp với chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi và phù hợp với nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, nhất là hình phạt tù sau khi đã xem xét, cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thể hiện tinh thần nhân đạo tại Điều 37 của Công ước về Quyền trẻ em là “việc bắt, giam giữ hay bỏ tù trẻ em chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Vì vậy, quy định như trên của Dự thảo là hợp lý.

Tuy nhiên, về hình phạt tiền, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tiền áp dụng đối người chưa thành niên theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính nếu họ có thu nhập hoặc tài sản riêng, nhằm đa dạng hóa chế tài không giam giữ áp dụng đối với đối tượng này là chưa hợp lý.

Bởi vì, đối với người chưa thành niên phạm tội thì việc áp dụng hình phạt sẽ được xem xét như là biện pháp cuối cùng sau khi đã cân nhắc tác dụng của việc áp dụng các biện pháp tư pháp. Còn nếu buộc phải áp dụng hình phạt thì, ngoài hình phạt tù còn có hình phạt cảnh cáo, hay cải tạo không giam giữ. Hơn nữa, việc áp dụng hình phạt tiền không phải lúc nào cũng có tác dụng.

Hình phạt này chỉ nên áp dụng đối với những tội phạm được thực hiện bởi động cơ vụ lợi thì mới có tác dụng cao. Còn đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm như hiếp dâm, giết người thì không thể có tác dụng răn đe, giáo dục mà ngược lại còn tạo điều kiện để người chưa thành niên thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật và đề cao giá trị đồng tiền mà coi rẻ tính nhân văn, nhân đạo trong mục đích áp dụng của hình phạt.

Hơn nữa, cần xem xét đến tính khả thi của nó, bởi lẽ thực tế hiện nay ở Việt Nam trẻ em trong độ tuổi dưới 18 hầu hết là sống trong sự nuôi dưỡng của gia đình, đặc biệt trẻ em trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì càng khó có tài sản riêng vì sức lao động còn hạn chế. Đó là chưa kể đến sẽ xảy ra tình trạng cha mẹ chứng minh tài sản của mình là tài sản riêng của con để mong con giảm nhẹ hình phạt.

Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội luôn được Nhà nước đề cao theo hướng “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội”. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ càng, nhất là trong tình hình hiện nay, khi tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.

Vấn đề áp dụng biện pháp xử lý phải luôn theo nguyên tắc không được quá mạnh làm cho họ thấy quá bất công, nhưng không được quá nhẹ để tránh hiện tượng “nhờn luật”.

Nguồn chinhphu.vn