Hào khí Quốc khánh trên quê hương Ninh Thuận

(NTO) Cùng với quân dân cả nước, ngày 2-9-1945, tại Hoàng Cung-Mỹ Đức (nay là Sân vận động tỉnh, phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), nhân dân tỉnh ta tổ chức mít-tinh trọng thể, tưng bừng đón chào ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.

Cho đến hôm nay, đã 70 năm trôi qua, những nhân chứng lịch sử như ông Nguyễn Bình Chánh (91 tuổi, ở Gara Bình Châu, đường 21 Tháng 8, phường Bảo An), ông Nguyễn Việt Đoàn (95 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng) nay đã bước vào tuổi “cổ lai hy” nhưng khi nghe chúng tôi nhắc đến giây phút thiêng liêng của ngày Độc lập, đôi mắt của họ vẫn sáng lên, hào khí về những ngày đầu khởi nghĩa, ngày đầu được độc lập vẫn còn nguyên trong ký ức của họ.

 
Đường 21 Tháng 8. Ảnh: Văn Miên

Ngày 2-9-1945, để chào đón chính quyền về tay Nhân dân, hàng vạn đồng bào các dân tộc, các giới trong tỉnh tập trung về Sân vận động Mỹ Đức dự cuộc mít tinh. Sân vận động được trang hoàng lộng lẫy, với băng cờ khẩu hiệu đầy đủ, người làng nào đi theo làng ấy, dẫn đầu là người phụ trách Việt Minh và Ủy ban. Đoàn nào cũng có băng cờ, khẩu hiệu và vừa đi, vừa hô vang: “Nhiệt liệt chào mừng ngày Quốc khánh đầu tiên”, “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Sân vận động là cả một "biển người".

Ông Nguyễn Bình Chánh, cho biết: Để chuẩn bị cho ngày 2-9, công nhân và thanh niên tham gia khởi nghĩa chia nhau từng tốp đi vận động các gia đình may cờ Tổ quốc, đồng thời thông báo rộng rãi cho mọi người dân về lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong trí nhớ của ông Chánh, hình ảnh những thanh niên với những chiếc loa thủ công kềnh càng đi đến từng địa bàn tuyên truyền, loan tin cho người dân, dán khẩu hiệu, treo cờ, khất thực (để cứu đói cho người dân)...

Được biết, cứ đến dịp kỷ niệm Cáng mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ông Chánh lại mang hồi ức đặc biệt của mình truyền lại cho thế hệ sau này trong những cuộc giao lưu mang nhiều ý nghĩa. Còn ông Nguyễn Việt Đoàn cho biết: Sau lễ mít-tinh đó, cùng với cả nước, quân và dân Ninh Thuận đã bước vào các cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chung sức xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, ấm no. Cũng từ đó, hằng năm đúng vào ngày 2-9, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đều tùy vào tình hình chiến sự (những năm chiến tranh) và những năm sau giải phóng vẫn tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh với niềm tự hào với cả thế giới về mốc son lịch sử này.

Thế mới biết, ngày kỷ niệm Quốc khánh mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam ta. Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam. Mỗi lần kỷ niệm ngày độc lập là một lần nhắc nhở chúng ta thêm yêu quý thành quả độc lập, tự do và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tên đường 21 Tháng 8

Ngày 15-1-1999, HĐND thị xã Phan Rang-Tháp Chàm khóa VI (nay là Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đã ban hành Nghị quyết đặt tên đoạn Quốc lộ 27 từ Km 00 điểm tiếp nối với đường Thống Nhất đến ngã 3 phi trường, đoạn tiếp nối giữa Quốc lộ 27 với đường Bác Ái thành tên đường 21 Tháng 8. Đây là con đường ghi lại sự kiện lịch sử tiêu biểu ngày nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh Ninh Thuận về tay Nhân dân (21-8-1945). Sự kiện lịch sử này là đỉnh cao của phong trào cách mạng, ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân Ninh Thuận.