Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng 24/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức được khai mạc tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.

 Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 3 ngày.
 (Ảnh: dangcongsan.vn)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của Hội nghị này là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các dự án luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trong 3 ngày, Hội nghị sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hội nghị đã cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) cho ý kiến. Cụ thể, dự thảo bộ luật cho phép Tòa án áp dụng tập quán, pháp luật tương tự, lẽ công bằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.

Là người đầu tiên cho ý kiến, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) lo lắng, trình độ thẩm phán hiện nay chưa đồng đều, nhất là ở cấp huyện nên nếu giao tất cả Thẩm phán có quyền áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử như nhau thì khó. Mặt khác, theo ĐB, đất nước chúng ta có nhiều vùng khác nhau với phong tục tập quán khác nhau nên việc giao quyền này càng khó khả thi. ĐB đề nghị nên giao cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có tổng kết chỉ đạo để đảm bảo sự thống nhất, công bằng trong xét xử trên cả nước.

Vẫn còn nhiều băn khoăn về việc áp dụng tập quán, pháp luật tương tự, lẽ công bằng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi: Có luật còn chưa xử được, vậy tại sao lại đưa tập quán, lẽ công bằng vào luật?.

Trái với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh: cần tin tưởng và giao các Thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó chỉ cần quy định như dự thảo bộ luật dân sự là đủ. Tuy nhiên, ĐB mong muốn từng địa phương tập hợp tập quán để Thẩm phán có căn cứ trong xét xử.

Cho ý kiến về việc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần khẳng định quan điểm Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự. “Không thể chấp nhận được một người là Thẩm phán mà bảo không biết xử kiểu gì. Người dân không chấp nhận một người ngồi vị trí Thẩm phán mà từ chối giải quyết vụ, việc” – ĐB nhấn mạnh.

Từ thực tiễn công tác xét xử, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hòa cho hay, bộ luật dân sự hiện hành đã quy định nguyên tắc trong trường hợp không có quy định thì áp dụng tập quán, pháp luật tương tự. Dự thảo lần này cũng đã quy định nguyên tắc này.

Trước băn khoăn nước ta có nhiều dân tộc, vùng miền với tập quán, phong tục khác nhau ông giải thích tập quán áp dụng là các tập quán đã được cộng đồng dân cư ở đó thừa nhận, đã áp dụng để giải quyết vụ việc. Còn về trình độ Thẩm phán, ông thừa nhận đúng là còn có một số thẩm phán trình độ không đều nhưng việc xét xử hiện nay qua nhiều cấp, ở cấp sơ thẩm ngoài Thẩm phám còn có Hội thẩm, ở phúc thẩm còn có 3 Thẩm phán, ngoài ra còn có Giám đốc thẩm. “Qua quy định xét xử như thế thì sẽ không có vụ việc nào Thẩm quán lộng quyền xét xử sai được” – ông Hào nói.

Có nên ấn định lãi suất vay?

Theo Điều 475 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định về lãi suất như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. 2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về mức lãi suất trần. Trong đó, phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%).

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ: “Không hiểu sao quy định hiện hành đang là 150% lại đề nghị nâng lên 200%? Tôi đề nghị phải giải trình cho rõ, nếu không đủ lý lẽ thì giữ như cũ”.

Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong cơ chế thị trường thì khống chế lãi suất cố định thật sự khó. Ông cũng nhấn mạnh, tội cho vay nặng lãi mục đích là đánh vào xã hội đen cho vay có tính chất chuyên nghiệp, chứ không phải đánh vào người cho vay bình thường. Mặt khác, theo ông “lãi suất liên ngân hàng qua đêm cao lắm như thế này khéo ngân hàng vào tù trước”. Do đó, ông đề nghị cân nhắc, tính toán quy định cho hợp lý bởi trong Luật Hình sự cũng quy định tội cho vay nặng lãi.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) khẳng định quan điểm không đồng tình phương án nào của dự thảo và đề nghị không quy định vấn đề này trong luật. Lí do ông đưa ra là: ‘Lãi suất là giá phải trả cho việc sử dụng đồng vốn, giá này tùy thuộc vào 3 yếu tố chính: cung cầu về vốn, giá trị đồng tiền sử dụng vào vốn, độ rủi ro sử dụng vốn. Vậy làm sao pháp luật chế định được 3 yếu tố này?”.

Về vấn đề này, giải trình trước Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tại dự luật này, vấn đề lãi suất nằm trong trong mục hợp đồng vay tài sản, tức chủ yếu hướng tới vay mượn tài sản, chứ không phải vay mượn tiền. Từ đó có các quy định về quyền, nghĩa vụ, và phát sinh vấn đề lãi suất gắn với hợp đồng vay tài sản. Về việc nên quy định theo lãi suất cơ bản hay quy định cứng, ông phân tích “nếu lấy lãi suất cơ bản thì không khác gì các lãi suất tham chiếu đã nêu, đều là những lãi suất không phổ biến với người dân vì vậy chúng tôi đề nghị không tham chiếu theo lãi suất nào cả mà quy định cứng để dễ thực thi pháp luật”.

Ở khía cạnh là cơ quan xét xử, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cho rằng nên có mức lãi suất trần, còn ở mức nào thì cần cân nhắc kỹ lưỡng./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam