Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

(NTO) Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), kết quả mang lại là bảo vệ lợi ích của người sản xuất thông qua đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN xác định, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là nhu cầu cấp thiết trong nền kinh tế thị trường để tạo dựng uy tín và thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN). Xuất phát từ ý nghĩa đó, Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chương trình hỗ trợ, vận động doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp cận với Chương trình và đã tạo được chuyển biến tích cực, số lượng đăng ký bảo hộ SHTT là 135 đơn vị, tăng 40% so với giai đoạn 2005-2010. Nếu như giai đoạn trước, số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp ít (chỉ có 3 đơn vị), thì sang giai đoạn này tăng lên đáng kể (47 đơn vị).

Cùng với đó, Sở KH&CN cũng đã hỗ trợ kinh phí để các DN tiến hành nghiên cứu, làm các thủ tục xác lập quyền SHTT. Trong 5 năm, đã hỗ trợ 89 DN với tổng số tiền 2 tỷ đồng để tổ chức hội thảo về SHTT, bảo vệ TSTT, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và ISO 22000:2005… qua đó nhận thức của chủ DN được nâng lên, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Riêng lĩnh vực hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đã tăng về số lượng, 7 đơn vị được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể và 66 đơn vị được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu thông thường. Nhãn hiệu được hỗ trợ đăng ký bảo hộ chủ yếu là các sản phẩm đặc thù của tỉnh, như: nho, táo, tôm giống, dê, cừu, dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc… Không dừng tại đó, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của Bộ KH&CN, đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN chủ trì thực hiện 4 dự án: “Xây dựng Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho”; “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT trên phương tiện thông tin đại chúng”; “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận”; “Xây dựng Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu”.

 
Sở KH&CN xúc tiến thực hiện Dự án “Xây dựng Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu”.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Những dự án trên có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về SHTT nói chung và tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu của các sản phẩm đặc thù nói riêng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Kết quả xây dựng thành công “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho” đã chứng minh điều này. Qua khảo sát thị trường, thời điểm trước năm 2011 giá nho xanh NH 01- 48 dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, đã chính thức đi vào hệ thống Siêu thị Co.opmart và Maximart với giá bình quân 72.000 đồng/kg. Nhờ vào kết quả xây dựng Chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội nho Ninh Thuận được thành lập với số hội viên, ban đầu 42 người, hiện nay là 188 người. Hiệp hội thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý ngày càng hiệu quả hơn, thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn về sản xuất nho an toàn cho hội viên.

Có thể nói, Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được mục đích đề ra là bảo vệ quyền lợi cho những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo. Chương trình cũng góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường quốc tế. Thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy vậy, hoạt động phát triển TSTT chưa đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Số lượng DN đăng ký xác nhận SHTT còn thấp, một số DN có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực nhưng chưa quan tâm đến bảo hộ và phát triển thương hiệu nên đánh mất thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm giảm, có DN chưa nhận thức đầy đủ về Luật SHTT nên vi phạm bản quyền nhãn mác.

Đồng chí Lê Kim Hùng cho biết thêm: Trước đây, DN rất ít quan tâm đến xác lập quyền SHTT. Dấu hiệu tích cực vào đầu năm nay là một số DN đã đăng ký để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nếu các DN không sớm, hoặc muộn đăng ký quyền SHTT thì sẽ mất thương hiệu. Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT, Sở KH&CN sẽ tham mưu xây dựng các văn bản triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về SHTT một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức hiểu biết về giá trị, lợi ích của TSTT. Tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng và phát triển TSTT của DN thông qua hỗ trợ xây dựng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.