Tác hại của thuốc lá

(NTO) Tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam; mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Khói thuốc lá, một trong những nguyên nhân gây bệnh và dẫn đến tử vong của con người. Trong thuốc lá chứa trên 7.000 hoá chất độc hại, trong đó có 70 chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là nicotin- chất gây nghiện, có nhiều chất kích thích sinh khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương và xơ vữa mạch máu. Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, hôi miệng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, bàng quang, dương vật, tụy, v.v... Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; đối với trẻ em dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp cấp nếu bị tiếp xúc với khói thuốc lá.

Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ  giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và môi trường sống:

- Ảnh hưởng đến kinh tế gia đình: Người hút thuốc lá sẽ tiêu phí một khoản tiền khá lớn để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, đặc biệt ở những gia đình kinh tế khó khăn. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phế quản), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch... Chi phí để chăm sóc y tế cho chính bản thân người hút và người bị hút thuốc lá thụ động trong gia đình là rất lớn, có gia đình không thể chịu đựng nổi.

- Ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia: Đất canh tác dùng cho sản xuất các loại cây lương thực bị thu hẹp lại, nhường chỗ để trồng cây thuốc lá vì có lợi nhuận cao hơn. Một lượng giấy khổng lồ sẽ phục vụ cho việc vấn các điếu thuốc lá và các loại bao bì. Phải chi phí một khoản kinh phí để dọn rác thải của tàn thuốc lá, vỏ bao thuốc lá. Chi phí chăm sóc y tế cho người hút thuốc lá lẫn hít khói thuốc lá do mắc phải các bệnh liên quan đến khói thuốc lá và việc giảm ngày công lao động của họ là những tổn thất rất lớn cho mỗi đơn vị, quốc gia có nhiều người nghiện thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá còn có nguy cơ gây ra những vụ hỏa hoạn dữ dội và những vụ cháy rừng, tàn phá tài nguyên quốc gia...

- Ảnh hưởng đến môi trường: Thuốc lá - môi trường ngỡ không liên quan đến nhau nhưng thực ra có liên quan mật thiết đến nhau. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường  học, nơi công cộng... và ngoài trời do thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại. Ngoài tác hại đối với sức khỏe, kinh tế thì thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường và cũng là nguyên nhân gây nên hỏa hoạn, thảm họa môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác lớn. Ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ,…

Vì vậy, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc. Vì một cộng đồng không khói thuốc! Vì sức khỏe của mỗi người! Vì tương lai con em chúng ta! Thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, góp phần nâng cao chất lượng sống.