Thế giới trong tuần

1. Quốc kỳ Cuba tung bay trước trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington và Đại sứ Mỹ tại La Habana chính thức hoạt động vào ngày 20-7, đã ghi dấu mốc lịch sử, mở trang mới trong quan hệ Cuba-Mỹ. Bước đi lịch sử được đón chờ này mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với người dân hai nước, mà với cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương phía trước còn nhiều gian nan, đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Với Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ đồng nghĩa sự công nhận chính thức của Mỹ với Chính phủ cách mạng Cuba. Bước đi này tạo thuận lợi hơn nữa cho Cuba hội nhập nền kinh tế thế giới, dù vẫn bị cản trở bởi chính sách cấm vận.

Với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia của Mỹ, một nước Mỹ biết chấp thuận sự khác biệt của quốc gia khác, nhất là tại Mỹ La-tinh và Caribe – khu vực Mỹ từng coi là “sân sau” nhưng đang mất dần ảnh hưởng.

Không phủ nhận, các cơ quan ngoại giao tại hai nước đi vào hoạt động vừa là sự kiện mang tính biểu tượng, vừa là cơ sở thực tế để hai bên tiếp tục nỗ lực đối thoại thành công, song con đường bình thường hóa quan hệ giữa Cuba với Mỹ còn dài và phức tạp.

2. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa tổ chức phiên điều trần đầu tiên về thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi tuần trước với Iran.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận nói trên và gọi đây là lựa chọn khả thi duy nhất cho một giải pháp hòa bình về vấn đề này. Ông Kerry nhấn mạnh, thỏa thuận vừa đạt được với Iran sẽ ngăn chặn mọi con đường Tehran có thể theo đuổi để sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời giải tỏa được quan ngại của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân Tehran. Theo luật pháp Mỹ, Quốc hội nước này sẽ có 2 tháng đánh giá văn kiện này để đưa ra quyết định có phê chuẩn hay không trước ngày 17-9 tới.

Trong khi đó, Quốc hội Iran đã thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 15 thành viên nhằm xem xét thỏa thuận hạt nhân này.

Nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mà nước này vừa đạt được với nhóm P5+1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận hạt nhân cân bằng với các cường quốc trên thế giới. Theo Hiến pháp Iran, Quốc hội có quyền bác bỏ bất cứ thảo thuận nào. Tuy nhiên, khả năng này sẽ ít xảy ra khi thỏa thuận đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã thông qua Nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Tehran và nhóm P5+1 vào ngày 20-7 và sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày.

3. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc điện đàm 4 bên về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, trong đó tất cả các bên cùng kêu gọi thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực này.

Các nhà lãnh đạo 4 nước “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tôn trọng những cam kết đã từng đạt được ở Minks (Belarus) hồi tháng 2”. Những cam kết này bao gồm “rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực đường giới tuyến, hoàn tất việc thực thi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho sứ mệnh quan sát viên đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).