Pháp nỗ lực xây dựng "một kỷ nguyên mới” với châu Phi

Nhằm tăng cường hợp tác với châu Phi, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Tổng thống Pháp François Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) đã có chuyến công du tới châu Phi với ba điểm dừng chân tại Benin, Angola và Cameroon, từ ngày 2 đến 5-7-2015. Chuyến thăm đã góp phần mở ra một trang sử mới trong mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi, vốn có phần lơi lỏng trong những năm gần đây.

Ký nhiều thỏa thuận hợp tácMặc dù cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đang có chiều hướng xấu đi, thu hút sự chú ý của cả châu Âu và thế giới, nhưng Tổng thống Pháp François Hollande vẫn quyết định tiến hành chuyến công du tới ba nước Trung và Nam Phi.Trong khuôn khổ chuyến thăm ngắn tới Benin của Tổng thống Pháp François Hollande, hai bên đã ký một số hiệp định kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác quặng sắt, chế biến nông sản, nhất là sợi bông và dầu cọ. Tại đây, Pháp cũng cam kết tăng viện trợ phát triển cho quốc gia châu Phi này.Tại thủ đô Luanda của Angola, ông Hollande đã thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Jose Eduardo Dos Santos (Giô-xê Ê-đua-đô Đốt Xan-tốt) về vấn đề hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương. Hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận kinh tế trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải,… nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác với Pháp, ngoài lĩnh vực hợp tác dầu mỏ truyền thống. Ngoài ra, Pháp cũng cam kết tài trợ cho một số dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp, khai khoáng, y tế, du lịch. Đặc biệt, hai nước đã tái lập Cơ quan phát triển của Pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước và thành lập một Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ ở Angola. Hiện Pháp có hơn 60 công ty đang hoạt động trong một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt tại Angola. Hơn 90 dự án đầu tư của Pháp đã và đang được triển khai tại quốc gia châu Phi này, trong đó có dầu mỏ.Nhân chuyến thăm Cameroon, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm ba nước Trung và Nam Phi, Tổng thống Pháp François Hollande đã đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của các nước đang chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Paul Biya (Phôn Bi-i-a) tại thủ đô Yaoundo, ông Hollande cho rằng Nigeria và Cameroon cần có quan hệ láng giềng tốt để hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Cameroon, Chad, Niger và Nigeria đặc biệt cần tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự để chống lại Boko Haram, nhóm đang mở rộng các cuộc tấn công nhằm vào các nước láng giềng từ khu vực Đông Bắc Nigeria.

Tăng cường ảnh hưởngVới số dân hơn 1,1 tỷ người, châu Phi hiện chiếm 40% nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới và là nơi có tiềm năng nông nghiệp vô cùng phong phú. Đây luôn là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Chính vì vậy, không chỉ có Pháp mà Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Đức, và nhiều nước khác cũng đang rất quan tâm đến khu vực đầy tiềm năng này. Trong lịch sử, Pháp và châu Phi vốn có nhiều ràng buộc với nhau, bởi rất nhiều nước trong khu vực này đã từng là thuộc địa của Pháp. Từ thời kỳ thuộc địa đến nay, Pháp luôn duy trì quan hệ đặc biệt với phần lớn các nước châu Phi. ảnh hưởng của Pháp có thể nhận thấy ở khắp mọi nơi trên đất châu Phi, nhất là những nước nói tiếng Pháp. Hơn nữa, châu Phi với vị trí địa lý gần gũi (chỉ ngăn cách với Pháp bởi Địa Trung Hải) cho phép vốn, công nghệ và sản phẩm của Pháp thâm nhập dễ dàng và liên tục vào châu lục này, đồng thời giúp Paris có được từ châu Phi tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu chiến lược cần thiết. Trong khi đó, châu Phi lại cần Pháp hậu thuẫn chính trị cho các lợi ích chung của châu lục trên các diễn đàn thế giới, cung cấp vốn đầu tư và viện trợ phát triển, và làm cửa ngõ để tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) rộng lớn. Chính vì vậy, Pháp rất chú trọng đến việc điều chỉnh chính sách đối với châu Phi của mình để có thể giữ được vùng ảnh hưởng truyền thống và chính sách này luôn là một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Pháp.Trong một nỗ lực nhằm duy trì và tăng cường ảnh hưởng của nước Pháp đối với Lục địa Đen, ngay từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành nhiều chuyến công du tới châu Phi. Tổng thống Francois Hollande từng tuyên bố: "nước Pháp muốn xây dựng mối quan hệ mới với châu Phi trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng”.

Theo đó, mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi trong giai đoạn mới sẽ dựa trên 3 yếu tố: minh bạch, thẳng thắn và một nền quản trị tốt. Mục đích các chuyến thăm châu Phi của ông Hollande không phải là để đưa ra một hình mẫu, cũng không phải là đưa ra các bài học về đạo đức, mà đưa châu Phi trở thành một đối tác và là những người bạn của nước Pháp.Có thể nói 3 nguyên tắc mà Tổng thống Pháp Hollande đề ra như trên đã thể hiện một cách nhìn mới đối với châu Phi và có phần khác biệt so với người tiền nhiệm. Dưới thời của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi, dù đã được đề cập tới nhiều, song nó lại chưa lại đạt được hiệu quả như mong muốn do những khác biệt về phương thức nhìn nhận và xử lý vấn đề. Vì vậy, việc Tổng thống Pháp Francois Hollande tiếp tục công du tới ba nước Trung và Nam Phi (gồm Benin, Angola và Cameroon) lần này cho thấy Paris đang tiếp tục nỗ lực xây dựng "một kỷ nguyên mới” với các nước châu Phi.Các chuyên gia phân tích cho rằng, những nỗ lực trên của Paris bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phải kể đến sức ép cạnh tranh từ các đối thủ lớn trên thế giới. Một thập kỷ qua đã chứng kiến sự đổ bộ "ồ ạt” của Trung Quốc, Mỹ, Nga và nhiều nước phương Tây tới Lục địa Đen. Với dân số đông và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, châu Phi không chỉ là thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là nguồn năng lượng dồi dào cho các đối tác. Vì thế, các nước lớn như Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi. Trong khi đó, dù gắn bó với châu Phi về mặt lịch sử, nhiều quốc gia châu Phi trước đây đã từng là thuộc địa của Pháp, nhưng Pháp lại tỏ ra chậm hơn các đối thủ. Nếu như 50 năm trước đây, thương mại của Pháp với châu Phi chiếm 40%, thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2%.

Do đó, việc Pháp "sốt ruột” cũng là điều dễ hiểu.Tuy nhiên đối với Paris, có lẽ vẫn còn một điều ý nghĩa hơn cả kinh tế. Đó là sự hiện diện về văn hoá, ngôn ngữ Pháp, và xa hơn là vị trí địa - chính trị ở khu vực chiến lược này. Hơn một nửa trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi nói tiếng Pháp, từng là thuộc địa của Pháp và đã từng gắn bó chặt chẽ với nước Pháp về nhiều phương diện. Chính vì vậy, sự ủng hộ của khối Pháp ngữ (trong đó có rất nhiều thành viên ở châu Phi) đối với nước Pháp, được ví như một sức mạnh tinh thần to lớn, đảm bảo cho nước Pháp gây dựng ảnh hưởng địa - chính trị - văn hoá trải dài ở nhiều châu lục. Tiếc là, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nước Pháp đã "bỏ quên” châu Phi trong nhiều năm, để khu vực chiến lược này lọt vào tay những đối thủ lớn khác.Trong cơn lốc toàn cầu hoá, tất nhiên nước Pháp hiểu rõ sự cần thiết phải trở lại châu Phi. Song trở lại với châu Phi thế nào, với cách thức ra sao không phải là chuyện dễ dàng. Và với hàng loại các thỏa thuận kinh tế và nhiều cam kết viện trợ trong chuyến thăm ba nước Trung và Nam Phi lần này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thể hiện quyết tâm trở lại châu Phi mạnh mẽ của Paris, góp phẩn mở ra trang sử mới giữa hai bên.

Theo TTXVN