Thế giới trong tuần

1. Tình trạng nhiệt độ cao bất thường đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới mà cả các nước Tây Âu ôn đới như Anh, Pháp, Đức cũng đang trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục.

Khối không khí nóng di chuyển từ châu Phi hướng về phía Bắc đang gây ra đợt nóng chưa từng có ở Tây Âu. Trên phần lớn lãnh thổ của Đức ghi nhận mức nhiệt từ 35o-40oC, cao nhất trong 30 năm qua.

 
Quạt hoạt động hết công suất tại ga tàu điện ngầm ở London.
Giới chức Anh yêu cầu các đoàn tàu giảm tốc vì lo ngại đường ray biến dạng do nhiệt độ cao.

Tại Anh, ngày 1-7 là ngày nóng nhất được ghi nhận trong tháng 7, với nhiệt độ lên tới gần 37oC. Cơ quan Y tế Công cộng của Anh đã ban bố cảnh báo sức khỏe cấp độ 2 với người dân. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cảnh báo nắng nóng cũng đã được đưa ra sau khi nhiệt độ có nơi đạt hơn 44oC.

Tại thủ đô Paris (Pháp), nhiệt độ đo được trong ngày lên tới 40oC. Cơ quan Khí tượng Pháp cho biết, lần đầu tiên ghi nhận đợt nắng nóng như vậy trong hơn 60 năm qua.

2. Ngày 1-7, Mỹ và Cuba đã chính thức nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã trao đổi thư nhất trí về việc mở cửa trở lại đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước vào ngày 20-7 tới.

Phát biểu từ Nhà Trắng, ông Obama khẳng định, việc hai nước mở cửa trở lại đại sứ quán tại La Habana và Washington đánh dấu một chương mới trong quan hệ Mỹ- Cuba sau hơn nửa thế kỷ đối đầu. Ông Obama cũng tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Đây được coi là bước đi cuối cùng hướng tới bình thường hoá hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến La Habana để dự lễ thượng cờ, khai trương đại sứ quán Mỹ. Như vậy, ông Kerry sẽ là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba sau 70 năm.

3. Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế khi không chỉ liên quan tới một nền kinh tế, mà còn là tính thống nhất của Liên minh châu Âu sau hơn 50 năm ra đời. Khối này sẽ xử lý khủng hoảng ra sao, khi mà các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị thời gian qua đã bộc lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên, đặc biệt là cặp đôi Pháp- Đức, vốn được xem là 2 đầu tàu có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề khu vực, khiến vai trò của Liên minh châu Âu trở nên lung lay hơn bao giờ hết. 

Có thể nói cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang thử thách cặp đôi Pháp và Đức. Với nền kinh tế chiếm vị trí nhất nhì của Khối đồng tiền chung euro, Đức và Pháp luôn tìm cách thể hiện vai trò anh cả của mình, khi cố gắng hợp tác với nhau để giải quyết khủng hoảng.

Tới nay, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức vẫn cố gắng nhượng nhau để bảo vệ “cổ vật” châu Âu, song trong bối cảnh vấn đề Hy Lạp đang càng ngày bị đẩy đi xa quá mức, thì dư luận đã bắt đầu tỏ ra hoài nghi. Vì thế, phản ứng của Pháp và Đức cũng là một ẩn số cho tương lai của Liên minh châu Âu và Khu vực đồng tiền chung châu Âu.