Quốc hội thông qua 4 luật

Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 luật gồm: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

 

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Với Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đã có 442 đại biểu (89,47% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành. Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý là luật đã quy định khá cụ thể về nội dung, hình thức, thời hạn công khai ngân sách. Theo đó, nội dung công khai ngân sách nhà nước bao gồm: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân, dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; trừ số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Việc công khai ngân sách nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) gồm 10 chương, 98 điều, với 90,89% ý kiến tán thành trên tổng số đại biểu có mặt.

Luật quy định số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Số lượng giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như cấp xã bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng xác định thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h cùng ngày.

Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.

Quốc hội thông qua luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo với 452 đại biểu tán thành (91,50% tổng số đại biểu có mặt). Luật có 10 chương, 81 điều quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật này quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam