Quản lý chặt chẽ vay nợ của địa phương

Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 Điều, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày
Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Ngân sách không chỉ bố trí trả nợ lãi

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày tại Quốc hội cho thấy, cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội.

Theo đó, khi thảo luận về dự án luật, một số ĐBQH cho rằng, khoản 3 Điều 7, khoản 9 Điều 8 quy định ngân sách chỉ bố trí trả nợ lãi, còn nợ gốc được bố trí từ các khoản vay mới là không phù hợp.

Về vấn đề này, UBTVQH thừa nhận “đúng như ý kiến của các ĐBQH đã nêu, với cách diễn đạt như quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 9 Điều 8 như trên có thể dẫn đến cách hiểu là ngân sách chỉ bố trí trả nợ lãi, còn nợ gốc được bố trí trả từ các khoản vay mới”. Vì vậy, tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, bỏ nội dung “Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn được bố trí từ các khoản vay mới theo quy định của pháp luật để thực hiện” tại cuối khoản 3 Điều 7 và khoản 9 Điều 8.

Đồng thời đã bổ sung một số quy định thể hiện các trường hợp chi trả nợ gốc và lãi của Ngân sách nhà nước. Như, “Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách trung ương. Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương”.

Khoản 12 Điều 4 đã được bổ sung để làm rõ: “Chi trả nợ là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước để trả các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ việc vay”…

Khoản 2 Điều 7 bổ sung nội dung: Trường hợp bội thu ngân sách thì được bố trí để trả nợ gốc của ngân sách.

Khoản 4 Điều 19 bổ sung thẩm quyền của Quốc hội quyết định tổng mức vay của ngân sách nhà nước và trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách nhà nước...

“Việc bổ sung các quy định tại các điều, khoản trên đã thể hiện các trường hợp chi trả nợ gốc và lãi của Ngân sách nhà nước” – Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Nâng mức dư nợ của chính quyền địa phương sẽ khiến tăng nhanh nợ công

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, khi thảo luận tại tổ và hội trường về Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), có ý kiến ĐBQH đề nghị nâng cao hơn nữa mức dư nợ của chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh có mức dư nợ là 20%.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, với quy định 3 mức như dự thảo mới (60%, 30% và 20%) là nhằm quản lý chặt chẽ vay nợ của địa phương, đảm bảo khả năng trả nợ của địa phương dựa trên số thu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên cao hơn như ý kiến ĐBQH đề nghị sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của địa phương và tăng nhanh nợ công. Trường hợp các tỉnh, thành phố muốn được vay nợ với mức cao hơn cần nâng cao số thu ngân sách địa phương để từ đó được áp dụng mức dư nợ cao hơn theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề khác, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền.

UBTVQH giải thích, tại Chương III của dự thảo Luật Ngân sách nhà nước trình Quốc hội đã phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (Điều 35, 36, 37, 38), đồng thời đã quy định giao HĐND cấp tỉnh căn cứ nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đã được phân cấp để quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo các nguyên tắc cụ thể quy định tại Điều 39. Căn cứ thẩm quyền của các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các quy định khác của pháp luật, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước trình Quốc hội đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và của HĐND, UBND các cấp ở địa phương./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam