CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Còn tuổi nào cho... ông?

(NTO) Tôi cũng có thời gian dài công tác ở cơ quan Nhà nước, nên chuyện về tuổi tác, năm công tác, năm nghỉ chế độ là được cánh anh, chị em U60 coi như là thời sự “nóng” hàng giờ. Vậy mà có nhiều vị cứ coi nhân thân, lịch sử bản thân mình cứ như chuyện đùa, miễn sao có lợi cho mình là được tất, còn hậu quả ai đó gánh thì… ráng chịu, miễn bàn!.

Tôi có người quen đang làm trưởng phòng cấp huyện, thừa năng lực công tác, “quan lộ” cứ như… thênh thang, cứ “lên” vù vù, không ai cản được. Anh sinh tháng 7-1956, nhưng vì thời kỳ chiến tranh, để tránh đi lính “chế độ cũ”, gia đình bèn làm…cho anh nhỏ đi 3 tuổi, tức “chạy” giấy khai sanh cho anh… được sinh tháng 7-1959. Cứ theo chế độ hiện hành thì mãi tới tháng 7-2019, trên 4 năm nữa, anh mới về hưu nếu trong công việc không gì trở ngại! Thế mà anh tâm sự, thôi mình về nhà cho rồi, còn vài sào đất, vui thú điền viên, nhường ghế lại cho lớp trẻ vả lại ba mươi sáu năm công tác rồi, “nơ-rôn” thần kinh có còn bén nữa đâu! Thế rồi anh tìm lại giấy khai sanh cũ (làm năm 1956), tiến hành thủ tục xin nghỉ chế độ vì lý do sức khoẻ, mặc dù anh còn mạnh khoẻ hơn… voi. Mới đáng trân trọng làm sao!

Cũng cùng cơ quan đó, một vị khác, hồ sơ lý lịch cá nhân khai rành rành sinh tháng 2-1956, đúng ra thì vào tháng 2-2016, còn vài tháng nữa thôi, vị này phải nghỉ hưu vì đã tròn 60 tuổi. Nhưng vị này dạng “ăn theo nói leo”, năng lực cũng tầm tầm, sống lâu năm lên thành… "lão làng". Nghĩ rằng về nhà thì cũng chả có công ăn việc làm gì, thôi bằng mọi cách phải bám… lưng “ông” Nhà nước được ngày nào hay ngày nấy. Thế rồi vị này về… chạy được giấy khai sanh (làm năm 1959), được… nhỏ lại 3 tuổi để kéo dài thời gian công tác lên… 4 năm. Cơ quan cũng nể tình, dấm dúi cho qua. Thế nhưng khi hồ sơ xin… "nhỏ tuổi" được đặt lên bàn lãnh đạo thì Chủ tịch huyện mới tá hoả tam tinh: Vị này khai có vợ năm 18 tuổi, sinh con đầu năm 19 tuổi (giấy khai sinh của con ghi rõ)… Nay làm hồ sơ lại, hoá ra vị này có vợ năm 15 tuổi, giấu đầu lòi đuôi; anh em chúng tôi được một trận cười ra nước mắt. Vị này dám đùa với cả… lãnh đạo huyện, mới “gan” chứ!.

Tuy vậy, trường hợp sau đây càng đáng nể hơn. Vị này “hàm” cũng trưởng phòng, nhưng không trung thực với cơ quan một cách lộ liễu, quá đáng. Vị này tồn tại… ba năm sinh: 1954, 1955, 1956 trong các hồ sơ giấy tờ, lý lịch… Ví dụ như lý lịch thì sinh 1955, khai sanh ghi 1956, văn bằng, chứng chỉ ghi 1954, chưa kể sổ Bảo hiểm Xã hội tẩy xoá tèm lem muốn… rách giấy, cứ như rối tung lên. Khi được Tổ chức hỏi tới, vị này trả lời tỉnh bơ, nhẹ nhàng như không: Năm nào lâu… về hưu thì lấy năm đó. Chuyện này đã xảy ra vài ba năm rồi, nghe đâu mới đây, để giải quyết chuyện này, “nhà chức trách” bèn giải quyết kiểu… trung bình khung, thôi cứ cho anh ta sinh… năm 1955 cũng được, để vài tháng nữa… nghỉ luôn là “có tình có lý”, chứ để… các “anh” trên nghe là rách việc, kỷ luật như chơi!.

Không biết còn có bao nhiêu vị như thế nữa. Cha mẹ cho chúng ta tuổi nào thì chúng ta hưởng tuổi nấy, để chúng ta “cầm tinh” tuổi đó thôi, tội gì phải khai man, phải sống giả trá như thế. Chế độ hiện hành đã quy định rồi, tuổi nào cống hiến, tuổi nào về nghỉ, chế độ ra sao… đều thể hiện rành rành. Tôi hoan nghênh trường hợp thứ nhất, còn những ai toan tính… học tập như hai vị sau thì không nên. Đừng làm như vậy, con cháu nó biết… nó cười, quê lắm!.