KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH:

Từ rượu mà ra!

(NTO) Giờ nghị án, bị hại lặng lẽ tìm một góc vắng để ngồi bên ngoài phòng xử, trong khi phần lớn những người tham dự phiên tòa đều tập trung quanh bị cáo H.V.T. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, T. nói với người thân: “Con tiếc cho cuộc đời con quá!” Ở giây phút ấy, có một người chắc đang “nuốt” nước mắt vào trong.

Nỗi đau hiện rõ trong ánh mắt, in hằng trên từng nếp nhăn nheo của gương mặt người đàn ông gầy còm có vẻ già hơn tuổi 56 của ông. Đó là cha bị cáo, ông H.V.M.

Tối 30-10-2014, ông M. và ông P.T.B. cùng nhậu ở nhà một người quen thuộc thôn An Thạnh 2 (An Hải, Ninh Phước) rồi xảy ra mâu thuẫn, cự cãi qua lại. Sau đó, ông M. chạy về, nói với con trai út H.V.T là ông bị người ta đánh. Nghe vậy, T. liền lấy một cây rựa, đứng nấp bên hông nhà. Lúc này, ông B. và em trai là P.T.L. chạy đến nhà ông M., trong tay anh L. có cầm theo một ống tuýp bằng kim loại. Khi thấy ông B. và ông L. dùng tay đập mạnh vào cửa nhà mình thì T. liền chạy ra, dùng rựa chém nhiều nhát vào người anh L., khiến anh này bị thương nặng. Với kết quả giám định tỷ lệ thương tật lên tới 56 %, cộng với hành vi mang tính côn đồ, T. đã nhận mức án 5 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và phải bồi thường hơn 27 triệu đồng cho bị hại.

Tại phiên tòa xét xử lưu động vụ án này, các vị hội thẩm nhân dân và kiểm sát viên đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những tình tiết mang tính “nguyên nhân” ban đầu dẫn đến tội phạm. “Tất cả đều do rượu mà ra!”, kiểm sát viên phân tích: Bản thân T. buổi chiều đó đã đi nhậu rồi về nhà ngủ, nên buổi tối, lúc cha đánh thức dậy, nói là bị người ta đánh thì T. chưa đủ sự tỉnh táo để xem xét sự việc đúng hay sai, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, gây thương tích cho người khác. Còn ông M., nhậu nhẹt quá say sưa, để xảy ra cãi cọ, chưa bị ai đánh mà đã nói với con là bị người ta đánh, khiêu khích lên ở con ý định dùng bạo lực để trả thù cho cha. Chính ông đã đẩy con ông vào chỗ phạm tội. Anh B. cũng vậy, trong cuộc nhậu, lời qua tiếng lại đều là lúc không được tỉnh táo, sao không để sáng hôm sau, khi tỉnh rượu rồi giải quyết mâu thuẫn, lại gọi em trai cùng đi đến nhà ông M. lúc đêm hôm để “nói chuyện”. Chính ông B. cũng có một phần lỗi trong việc đẩy em trai mình là ông L. đến chỗ bị thương tật như vậy!

Mâu thuẫn trong lúc nhậu nhẹt giữa ông M. và ông B. được “giải quyết” bằng 5 năm tù của con trai ông M. và 56% thương tật của em trai ông B. Quả là một cái giá quá đắt mà 2 ông phải trả cho “ma men” vào cuộc nhậu tối hôm ấy!