Ninh Sơn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

(NTO) Nhiều năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được các cấp, các ngành huyện Ninh Sơn quan tâm, phát động ở tất cả các cơ quan, đơn vị, thôn, khu phố với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Là nội dung quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nội dung còn lại, những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng được các cấp ủy Đảng, chính quyền Mặt trận huyện quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Qua phong trào, đã khơi dậy truyền thống nhân ái, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều hình thức như: Giúp vốn, hỗ trợ vật tư, cây, con giống, ngày công… Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; Chương trình 134, 135, 167 của Chính phủ; các phong trào thi đua sản xuất giỏi và huy động vốn trong Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… góp phần tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống. Vì vậy, đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 28,8% (năm 2006) xuống 16,17% hiện nay.

 
Giao thông nông thôn xã Mỹ Sơn được bê-tông, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất.Ảnh: V.M

Cùng với việc phát triển kinh tế, công tác giáo dục, y tế luôn được huyện chú trọng. Đến nay, 100% xã có Trung tâm Học tập cộng đồng; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98,5%. Toàn huyện xây dựng được 12 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 4 tỷ đồng, cùng Nhà nước thực hiện bê-tông đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình phục vụ dân sinh, điển hình như hộ chị Bây Thị Súng (thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn), hiến 3.000m2 đất làm mặt bằng xây dựng trường học...

Đời sống vật chất ổn định nên người dân ngày càng chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần. Đồng chí Phan Viết Hiệp, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, cho biết: Nhằm phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, hằng năm, huyện tổ chức, nhân rộng Hội diễn nghệ thuật quần chúng, thu hút đông đảo các địa phương, đơn vị tham gia; bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong các khu dân cư; thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây chuồng trại chăn nuôi xa khu vực nhà ở, phòng tránh ô nhiễm, dịch bệnh… Các phong trào xây dựng “Thôn Văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, văn nghệ, thể thao được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Toàn huyện hiện có 51 thôn, khu phố văn hóa, chiếm 83,6%; hơn 85% gia đình văn hóa; 100% thôn, khu phố có đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền; 5 đội Mã la bán chuyên nghiệp tại các xã Ma Nới, Lương Sơn là nơi để đồng bào dân tộc Raglai sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư.

Đồng chí Phan Viết Hiệp cho biết thêm: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ phong trào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa văn hóa, xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là nội dung quan trọng để xây dựng con người có văn hóa, làm nhân tố hình thành gia đình văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa tiêu biểu, bền vững.