Mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu

(NTO) Len lỏi khắp ngõ hẻm, trên các con đường tìm mua những thứ “bỏ đi” để bán lại kiếm lời, hằng ngày, những người sống bằng nghề mua bán phế liệu luôn tất bật với cuộc sống mưu sinh...

Nghề thu mua phế liệu không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng hiện nay nó đã phát triển ở nhiều địa phương. Nhờ thu mua phế liệu, nhiều gia đình có việc làm, thu nhập, con cái được học hành đầy đủ. Theo đó, từ vùng nông thôn đến thành thị đều có các điểm thu mua phế liệu để phục vụ cho việc tái chế đồ cũ hỏng trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.Công việc hàng ngày của những người mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng cho đến khi tối mịt với những phương tiện hành nghề đơn giản như: Vài bao tải, một cái cân… trên chiếc xe đạp cũ, họ rong ruổi khắp các nẻo đường để mua các loại phế liệu. Đến cuối ngày, họ tập trung tại các điểm thu mua ve chai, bán lại những thứ đã mua được để kiếm lời.

 

Nghề mua phế liệu ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc

Chị Hương, cư ngụ phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đã theo nghề gần 10 năm, tâm sự: “Nghề thu mua phế liệu mang tiếng là nghề phụ nhưng đem lại thu nhập chính đấy. Tuy hơi vất vả một chút nhưng nhờ những đồng tiền góp nhặt hàng ngày từ đống lon, chai nhựa, giấy, báo cũ... mà gia đình tôi có thêm đồng ra đồng vào, trang trải cuộc sống hàng ngày.Theo chia sẻ của chị, nghề thu mua phế liệu chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi vì mỗi ngày phải đạp xe đến vài chục cây số. Còn Anh Hiệp, ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận cho hay: “Vợ tôi qua đời hơn 3 năm rồi, một mình nuôi 2 con ăn học. Thời gian đầu, tôi đi làm thuê đủ các nghề như thợ hồ, bốc vác... Thấy nghề làm mướn bấp bênh, phải đi xa nhà, không có ai chăm sóc con cái nên tôi đã nghỉ làm và chuyển sang mua bán phế liệu”. Khi hỏi về sự vất vả của nghề, anh nói: “Lao động kiếm sống thì nghề nào cũng nặng nhọc, nhưng nghề mua bán phế liệu được cái ngày nào cũng làm được, không theo thời vụ. Hôm nào mua được nhiều, bán lại kiếm lời kha khá; hôm nào mua được ít, tôi cũng lời được vài chục ngàn đồng”

Mỗi vòng xe của họ là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại... và hành trình mưu sinh của những người làm nghề thu mua phế liệu đã vẽ nên bức tranh muôn màu sinh động của những người lao động nghèo. Họ nhọc nhằn vất vả sớm hôm, tích góp để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nghề thu mua phế liệu, lại giải quyết được việc làm, giúp nhiều người có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, nhiều người nuôi được con học đại học.