Ngày đàng sàng khôn

(NTO) Từ câu tục ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhà báo Nguyễn Văn Mỹ được báo Thanh niên giao cho anh chuyên mục "Ngày đàng sàng khôn", trên tuần Báo Thanh niên.

Nhiều năm đeo đuổi chuyên mục ấy, anh được NXB Văn hóa, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tập hợp lại và xuất bản thành một tập sách bề thế, dày trên 400 trang. Chắc chắn đây là loại sách bán chạy nên NXB mới có số lượng xuất bản lớn hơn so với các sách khác.

Lý do sách bán chạy thì cũng dễ hiểu bởi vì ai mà không mong muốn hiểu biết, nhất là những vùng đất xa lạ trên khắp thế giới. Đối với những người không có điều kiện đi đây, đi đó, đọc cuốn sách này cũng hấp dẫn vì hiểu biết được phần nào về cảnh sắc thiên nhiên cũng như nếp sống văn hóa; còn đối với người được đi nhiều nơi, cho dù không thể bằng được tác giả cuốn sách thì ít nhất cũng chứng kiến được những nơi mình đến, tác giả đã viết ra sao và phải bổ sung điều gì nếu thấy cần thiết.

Sức đi, sức viết dày công như thế của Nguyễn Văn Mỹ nên tôi muốn gọi anh là nhà báo, anh liền từ chối và nói rằng, cứ gọi tôi là người quản lý lữ hành, là hướng dẫn viên và thiết kế tour hoặc viết báo, hoặc dạy học…

Vâng! Gọi gì đi nữa thì chính xác Nguyễn Văn Mỹ là tác giả cuốn sách Ngày đàng sàng khôn, tôi còn được biết thêm anh sắp được xuất bản 2 cuốn khác, đó là cuốn Chuyện đời và cuốn Chuyện nghề cùng do NXB Văn hóa, Văn nghệ ấn hành.

Đọc Ngày đàng sàng khôn tôi sực nhớ đến câu danh ngôn nổi tiếng của Montauge: “Con người có 3 cái đầu, một cái đầu do bẩm sinh, một cái có được từ trong sách, một cái có được từ trong cuộc sống”.

Nguyễn Văn Mỹ biết tôi là người đồng hương Bình Thuận với anh nên ngoài chuyên vui vui, tếu tếu trong “làng văn nghệ”, anh còn tâm sự, với anh cuộc sống là những chuyến đi, còn đi là còn sống, còn sống là còn đi… nghề đã chọn mình nên mình không thể phụ nghề. Tôi làm du lịch như một tôn giáo nghề nghiệp. Nhờ đi nhiều nên quen nhiều người, biết thêm nhiều vùng đất mới, hiểu thêm nhiều thứ mà chẳng trường lớp nào dạy nổi…

Tôi đọc bài viết về cố đô Yangon của anh có trong tập sách cách đây sáu năm, còn bây giờ thì cả tôi và anh cùng đều có mặt ở Yangon, tất nhiên anh trở lại Yangon lần thứ hai, còn tôi là lần thứ nhất đến đây. Sáu năm trước, tên gọi Liên bang Myanma còn bây giờ là Cộng hòa Liên bang Myanma (từ 2010 đến nay). Sự đổi thay tên gọi cùng với sự xóa bỏ cấm vận của Mỹ, Yangon đã thay đổi nhanh chóng, đến Nguyễn Văn Mỹ cũng không ngờ, ví như xăng dầu không còn bán theo tem phiếu, hội thoại quốc tế thì đắt đỏ, muốn sổ hữu số điện thoại di động lúc đó phải trả tiền bằng chiếc xe gắn máy ở Việt Nam…

Tôi bị cuốn hút trước vẻ đẹp kỳ diệu trước hoàng hôn ở chùa Shwedagon ở phía Tây hồ Kandawgyi còn gọi là chùa Vàng cao 99m được dát bằng vàng. Ngôi chùa này có lịch sử 2500 tuổi, xây dựng từ thế kỷ VI trước Công Nguyên. Chúng tôi cùng đến Bago là một thành phố lâu đời của Myanma, được xây dựng từ năm 573 và tham quan tượng Phật nằm dài gần 100 m, cao 16 m xây dựng từ thế kỷ IX.

Không thể nào đi hết đất nước Myanma có tổng diện tích lên tới 678500 km2, là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á, và là nước lớn thứ 40 trên thế giới. Bóng đá Myanma từng vô địch châu Á những năm 1966 và 1970 và là nước xuất khẩu 75% sản lượng gỗ Tech của thế giới, đó là loại gỗ quý không hề cong vẹo, nứt nẻ trước nắng mưa từ đời này qua đời khác. Đặc biệt Myanma là quê hương của ông U Thant, Tổng thư ký Liên hiệp quốc từ năm 1961. Ông là người châu Á đầu tiên lãnh đạo một tổ chức quốc tế tầm cỡ vào lúc đó. Cô thư ký của ông U Thant là Aung San Suu Kyi, một chính khách lỗi lạc của Myanma được giải thưởng Nobel Hòa bình từ năm 1991.

Rất tiếc chuyện đáng nói về Myanma nằm trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhưng khuôn khổ bài viết có hạn nên càng thấm thía câu nói "Ngày đàng sàng khôn".