Lễ hội Lăng Thần Nam Hải

(NTO) Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống lại vang lên báo hiệu lễ hội Lăng Ông Nam Hải. Qua bao đời nay, cứ 3 năm một lần, đến ngày Mùng 10 tháng 3 Âm lịch, dân làng thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải) lại tổ chức lễ hội Lăng Thần Nam Hải.

Với nghề nghiệp chính là làm biển, bởi vậy đối với người dân nơi đây, lễ hội Lăng Ông Nam Hải mang mục đích tâm linh cao cả, nhằm cầu cho "Quốc thái dân an", "mưa thuận gió hòa", mọi ngành, mọi nghề đều phát đạt, mùa biển bội thu, nhân dân ai cũng được ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội rước Ông Nam Hải.

Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá Voi) thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp "sóng to, gió lớn", thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ.

Trong chương trình lễ hội Lăng Thần Nam Hải, “Lễ Nghinh Ông” được xem là hoành tráng và thiêng liêng nhất. Lễ Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm, thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn.

Đúng 13 giờ trưa ngày 11 tháng 3 (AL), Lễ Nghinh Ông (tức lễ rước linh hồn Ông Nam Hải) được tiến hành. Lễ hội bắt đầu khởi hành từ lăng Ông Nam Hải đi đến cầu cảng Bến cá Mỹ Tân; đi đầu là đoàn lân, tiếp đến là đội múa náp, tiếp theo là đoàn nghinh với một đoàn người gồm các vị kỳ lão, kỳ hương khiêng kiệu. Người ta làm một kiệu thần được nghinh rồi đặt lên một chiếc thuyền lớn, trên thuyền trang trí cờ hoa, cờ hội lộng lẫy; bố trí chiêng trống, đội nhạc để phụ trợ trong lễ nghinh thần. Sau đó, lên 3 chiếc thuyền lớn nghề chính chờ sẵn trực chỉ ra khơi. Thuyền đi nghinh Ông phải là thuyền tốt, chủ thuyền là người có đức độ, làm ăn giỏi, gia đình thuận hoà, êm ấm… Thuyền chính lập hương án ở mũi thuyền, chở Ban nghi lễ cùng đội nhạc với chiêng trống, cờ phướng, lọng che rất uy nghiêm. Thuyền bên trái và thuyền bên phải chở 2 đoàn Lân, đoàn múa náp 9 người cùng các bậc hào lão, kỳ mục. Theo sau đoàn là các 18 thuyền của dân làng, cứ thế đi theo hướng mặt trời mọc, chạy ra một đoạn khoảng 1 hải lý, sau đó quẹo phải chạy lên hòn Đỏ, rồi quay xuống hòn Chông thì dừng lại. Chiêng trống nổi lên, người chủ tế mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang đứng trước hương án bắt đầu vái hương và cầu khấn. Khi lễ cúng hoàn tất, cả đoàn người reo hò vang dậy, các thuyền đồng loạt nổ máy, quay mũi hướng vào bờ.

Trên đường về, thuyền chính đi trước, hai thuyền tả, hữu đi hai bên, đến gần bờ, thuyền chính vẫn đi giữa. Lúc này dân làng tụ tập rất đông trên Bến cá Mỹ Tân để nghinh đón “linh” cá Ông về. Sau khi nghinh thần về, người ta tiến hành các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền, đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu...

Sau lễ Nghinh Ông, ngư dân thường tổ chức hát bội (Bà chòi) và các hoạt động thể thao vui chơi giải trí mang đậm bản sắc vùng biển như đánh cờ người, đua thuyền... với nội dung phong phú, lành mạnh.

Lễ hội kết thúc cũng là niềm mong ước, là khát vọng của người dân được thần Nam Hải che chở. Ai nấy đều tin tưởng vụ ra khơi sẽ "thuận buồm, xuôi gió", tôm cá đầy ghe “ Thâu ngư nhập nghệ, nhật nhật thường tăng”. Đó là sự tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ. Lễ hội Lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân đã và sẽ mãi đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng biển.