Gần 400 ca ghép tế bào gốc trong 20 năm

Từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện vào năm 1995 tại BV Truyền máu-Huyết học TPHCM, đến tháng 4/2015, cả nước đã có 387 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loại.

Thông tin trên được công bố tại Hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3, tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 23-25/4 với sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh.

Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Bệnh nhân được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Ảnh: nihbt.org.vn

Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn.

Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu, mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa…

Ở Việt Nam, năm 1995, BV Truyền máu-Huyết học TPHCM đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta như tổ chức các trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước.

Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như BV Trung ương Huế, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương quân đội 108, BV 19/8…

Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006 và đến nay đã ghép được trên 150 ca, bao gồm cả ghép tự thân và ghép đồng loại, đặc biệt đã có 2 ca được ghép từ Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của nước ta đã từng bước tiến kịp và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện cụ thể của Việt Nam, để có thể phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn, giới khoa học trong lĩnh vực tế bào gốc nên tập trung cho việc cập nhật những kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến, vận dụng thành công của họ trong việc ứng dụng, triển khai tại Việt Nam.

Đồng thời tập trung cho công tác đào tạo; đào tạo cần đầy đủ các kỹ thuật, chuyên ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ như miễn dịch, di truyền-sinh học phân tử...; gửi cán bộ đi đào tạo nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về tế bào gốc.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học Việt Nam cũng sẽ được nghe năm báo cáo của các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản và Bỉ, những nước đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học.

Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y.
Nguồn www.chinhphu.vn