“Lá chắn thép” Phan Rang Qua tiểu thuyết "ký sự ở thung lũng Là-A"

(NTO) “Lá chắn thép’’ Phan Rang đã được nhiều sách lịch sử và được rất nhiều báo chí trong nước và ngoài nước viết. Thế nhưng tiểu thuyết văn học viết về trận địa này lại rất hiếm. Thật may, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết “Ký sự ở Thung lũng Là–A” của Đình Hy. Dù trước đó đã đọc nhưng lần này, tôi cũng hết sức ngạc nhiên, vì những sự kiện lịch sử được nhìn nhận và phân tích dưới con mắt của một nhà văn.

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Đình Hy đã dành hẳn hai chương viết về “Lá chắn thép” Phan Rang, những phân tích, mổ xẻ về tình hình quân số, vũ khí trang bị, cách phòng thủ, ý đồ chiến trường của cả ta và địch được nhà văn Đình Hy đề cập khá chi tiết. Thực ra, những thông tin về “Lá chắn thép” Phan Rang không phải là hiếm. Sau khi bị thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung từ Huế trở vào Khánh Hòa, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đều nhất trí cao với tướng Mỹ Uây-Oen là quyết tâm giữ phần đất còn lại. Thị xã Phan Rang của tỉnh Ninh Thuận được chọn là tiền đồn mạnh chặn đứng bước tiến công như vũ bão của quân giải phóng để chờ mùa mưa. Với toan tính đó, địch đã bố trí một hệ thống phòng ngự vững chắc do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy và kêu gào binh sĩ tử thủ để giữ bằng được cửa ngõ Phan Rang. Nếu đem so sánh những tư liệu, những số liệu và cả các chi tiết được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết với các bài viết của các tướng lĩnh trực tiếp chỉ đạo trận đánh thì thấy có nhiều sự trùng khớp. Nhà văn Đình Hy đã tìm hiểu khá kỹ tư liệu lịch sử liên quan đến “Lá chắn thép” Phan Rang. Thế nhưng với con mắt của văn sĩ, Đình Hy lại đi khai thác chiến trường ác liệt này ở một góc khác. Vẫn đầy đủ những thông tin quân sự mà các sử gia đã đề cập, Nhà văn Đình Hy còn khai thác khá triệt để tính khốc liệt của chiến trường nơi đây. Anh có cái nhìn khá mới khi nhận ra cách bố phòng của địch, cái thế của địa hình tạo nên một hình phễu hoàn toàn có lợi cho bên phòng ngự, đó là cái thế một người địch nổi muôn người. Cảnh hoang mang dao động, cảnh hỗn loại của chiến trường cũng được anh đặc tả chi tiết. Là người con sống trên quê hương Ninh Thuận, Đình Hy đã bổ sung khá nhiều điều thú vị về trận quyết đấu lịch sử này. Đó là sự phối hợp của bộ đội địa phương để chia lửa với chiến trường chính. Trận đánh Cầu Móng tiêu diệt 2 chiếc xe tăng của địch là một minh chứng. Tính ác liệt của chiến tranh cũng được anh thể hiện một cách chân thực. Đó là sự hy sinh của tiểu đội bộ đội địa phương vấp phải bãi mình của địch và phần lớn đã hy sinh anh dũng, trong đó có con hổ xám của núi rừng Bác Ái-Trung đội trưởng Tà Yên Đong. Điều đáng nói là những người con của quê hương Ninh Thuận hy sinh, khi ngày giải phóng quê hương chỉ còn tính bằng giờ.

Một góc "Lá chắn thép" Du Long qua 40 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhưng điểm thú vị nhất mà tác giả mang đến cho người đọc là hình ảnh thiếu úy Pi Năng Chơnk. Người sĩ quan trẻ tuổi này là người con của quê hương Ninh Thuận, người con của núi rừng Phước Hà. Anh có mặt trong đoàn quân giải phóng đang tiến quân về giải phóng thị xã Phan Rang và các tỉnh còn lại ở phía Nam. Nhưng vì vấp phải “Lá chắn thép” Phan Rang nên anh cùng đoàn quân giải phóng phải nằm lại phía bên kia tuyến phòng thủ. Ngày trở lại quê hương, sau hai mươi năm xa cách, được nhìn thấy bầu trời quê hương, tưởng chỉ còn vài bước chân nữa là anh được ôm chầm những người thân yêu của mình trong vòng tay thương nhớ. Nhưng, anh phải nằm đây, từng phút, từng giây mong vượt qua “Lá chắn thép” này. Trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn ngủi ấy, anh có biết đâu Tà Yên Đong, người anh, người bạn gắn bó cả tuổi thơ với anh, những ngày sống trên đất Bắc, lúc nào anh cũng nhớ mong đã vĩnh viễn nằm xuống.

Trong bài viết này, tôi chưa đề cập được nhân vật chính của tiểu thuyết “Ký sự ở thung lũng Tà–A”, đó là Quân, vì nhân vật này liên quan đến những sự kiện khác, chắc chắn sẽ có dịp được nói nhiều về nhân vật, người của phía bên kia, nhưng lại chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh khốc liệt trên mảnh đất Phan Rang.

“Ký sự ở thung lũng Là–A” của Đình Hy là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về con người, mảnh đất Phan Rang nói riêng, đồng bào các dân tộc Ninh Thuận nói chung trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Nhiều chi tiết, tư liệu gây cho người đọc tính tò mò. Đó là không khí, cảnh sống của người dân Phan Rang trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Khi viết về mảnh đất, con người các dân tộc miền núi, Đình Hy có vốn sống khá tốt, anh hiểu tường tận tình cảm, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Đặc biệt là tình cảm thủy chung, gắn bó của đồng bào miền núi với cách mạng, với cuộc chiến gian khổ, lâu dài để góp phần giải phóng quê hương, đất nước.