Sân bay Thành Sơn: 3 ngày & 40...năm!

(NTO) Khoảng 10 năm trở lại đây, cứ gần đến ngày 30-4 hằng năm, cánh lính chúng tôi lại tìm gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm một thời trên chiến trận. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, bồi hồi xúc động nhớ lại những đồng đội đã nằm xuống cho đất nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.

Trong những câu chuyện và những kỷ niệm sâu sắc ấy, trận đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Phan Rang) là một trong những trận đánh ác liệt mà mỗi người chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay không thể nào quên. Trận đánh ấy cũng gần như là trận đánh cuối cùng của một đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng từ năm 1972, sau khi chúng tôi xuất quân đánh quận lỵ Lệ Minh (Chư Nghé) ở tỉnh Gia Lai kết thúc…

Ảnh: Văn Miên

Tháng 4, thời tiết Phan Rang nắng nóng, các con suối trên vùng rừng núi Bác Ái khô cạn, ảnh hưởng rất lớn đến cơ số nước cho bộ đội đánh trận. Trong phương án tác chiến đánh chiếm sân bay Thành Sơn, Tiểu đoàn 1 anh hùng chúng tôi là mũi chủ công phải áp sát hàng rào kẽm gai sân bay, khi có lệnh phải phá bằng được 11 lớp rào kẽm gai để đưa toàn bộ tiểu đoàn đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay.

Tối ngày 13-4-1975, đơn vị chúng tôi bắt đầu tiếp cận mục tiêu. Khó khăn lớn nhất của đơn vị chúng tôi lúc này là địa hình khu vực dàn quân đất đá không thể đào công sự sâu được. Cố gắng lắm, bộ đội chỉ khoét sâu xuống đất chừng 20 đến 40 cm, cây cối cũng chỉ là những lùm cây thấp, có nhiều cây gai như gai xương rồng đâm vào người rất đau. Chính địa hình phức tạp như vậy nên không thể ngụy trang kín hết được trận địa. Theo hiệp đồng tác chiến với các đơn vị hành tiến trên Quốc lộ 1A thì 8 giờ sáng ngày 14-4, khi căn cứ Du Long bị quân ta tấn công thì tiểu đoàn chúng tôi nổ súng. Thế nhưng không biết điều gì xảy ra, 8 giờ, 9 giờ, rồi 10 giờ vẫn chưa có lệnh nổ súng, cả tiểu đoàn chủ công nằm phơi mình trên “sa mạc” Thành Sơn.

Ảnh: Văn Miên

Quá trưa, bất thần một đại đội bảo an đi tuần đúng vào hướng dàn quân của Đại đội 11. Tiểu đoàn phó Hoàng Uy (quê Nghệ An), người trực tiếp chỉ huy Đại đội 11 báo cáo về Chỉ huy sở tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng (quê Thái Bình) ra lệnh: Đại đội 10 nằm im không được nổ súng (vì lúc này Đại đội 10 đã cắt được hàng rào thứ 2 và một bộ phận của đại đội này đã nằm trong hàng rào thứ 2 của sân bay), còn Đại đội 11 sẵn sàng đợi lệnh. Thế là từ phương án chờ hiệp đồng nổ súng chưa thực hiện được thì bắt đầu cho cuộc chiến bên ngoài hàng rào.

Từ trưa ngày 14-4, cuộc chiến bắt đầu. Đại đội bảo an tiến gần đến Đại đội 11, không còn cách nào khác, Tiểu đoàn phó Hoàng Uy ra lệnh cho bộ đội nổ súng. Chỉ ít phút sau, máy bay ném bom, máy bay trực thăng quần thảo liên tục bắn phá trận địa của tiểu đòan chúng tôi. Cả tiểu đoàn phải căng mình ra chịu bom đạn từ trên máy bay trút xuống. Khoảng gần 3 giờ chiều cùng ngày, máy bay địch ngừng đánh phá, nhưng xuất hiện tình huống khác. 5 chiếc xe bọc thép xuất hiện tiến về trận địa Đại đội 11 (thực tình gọi là xe tăng vì xe ngụy trang toàn bằng lá dừa, sau này mới biết là xe bọc thép), các trinh sát báo cáo với Tiểu đoàn phó Hoàng Uy: Hình như xe tăng của ta! Tiểu đoàn phó Hoàng Uy điện báo Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng thì được biết, cánh quân tiến theo Quốc lộ 1A chưa thể tiến đánh căn cứ Du Long và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm.

Vừa nhận lệnh từ tiểu đoàn trưởng xong, đã thấy đạn bắn ra như mưa từ 5 chiếc xe bọc thép. Ngay lập tức, đồng chí Hoàng Uy ra lệnh cho DKZ và B41 khai hỏa. Chiếc xe bọc thép đi đầu bị khựng lại, rồi bốc khói, 2 chiếc tiếp theo bị B41 của Đại đội 11 bắn cháy, 2 chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy… Qua 1 ngày quần thảo với địch ác liệt, bị thương, hy sinh là một chuyện, chuyện không có nước uống mới gay gắt làm sao. Tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin 2W cùng với chiến sỹ số 2 là Phạm Văn Duy (quê tỉnh Cao Bằng) trực tiếp ở Chỉ huy sở để chuyển thông tin từ Chỉ huy tiểu đoàn đến các đơn vị và nhận báo cáo của các mũi về. Tiểu đoàn không có nước uống đến độ Duy nói với tôi: “Anh ơi, em khát quá rồi làm sao được…”. Tôi động viên Duy: Cố lên em, khát quá em có đi tiểu được không? Duy không nói, tay xoay nắp bình tông và cố gắng tiểu vào nắp để lấy nước uống. Vài giọt nước tiểu lúc bấy giờ cũng phần nào “an ủi” cái khát khô họng của chiến sĩ... Trời bắt đầu tối, tiếng bom đạn cũng bắt đầu thưa dần. 11 giờ đêm ngày 14-4, tiểu đoàn được lệnh lui quân về chân núi Bác Ái củng cố và chờ lệnh. Qua một ngày quần nhau với địch, hơn 30 chiến sỹ của tiểu đoàn thương vong. Tối ngày 15-4, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh hành quân tiếp cận hàng rào sân bay Thành Sơn chờ lệnh. Trước khi rời chân núi Bác Ái, Chỉ huy tiểu đoàn căn dặn: Đây là thời khắc quyết định và ác liệt nhất để đánh chiếm sân bay, tiểu đoàn chúng ta hãy phát huy truyền thống anh hùng, quyết mở đường tiến thẳng vào sân bay. Cả đêm ngày 15-4, tiếng pháo cầm canh của địch vẫn bắn, nằm ở vùng ven sân bay các chiến sỹ Tiểu đoàn 1 chỉ nóng lòng chờ lệnh nổ súng. 6 giờ, rồi 7 giờ sáng ngày 16-4...

Đúng 8 giờ, Tiểu đoàn trưởng Triệu Quốc Hưng ra lệnh trên 2 phương tiện thông tin là hữu tuyến và vô tuyến: nổ súng. Giờ phút tôi nhấn công tắc của ly hợp máy 2W truyền lệnh nổ súng đánh chiếm sân bay Thanh Sơn, có lẽ theo tôi suốt cuộc đời. Ngay khi nhận lệnh, Đại đội trưởng Đại đội 10 Lê Văn Uyến (quê Ninh Bình) ra lệnh cho các chiến sỹ đánh bộc phá ống. Hơn 20 quả bộc phá ống liên tiếp phát nổ, thổi tung 11 lớp hàng rào kẽm gai, mở toang cửa cho toàn tiểu đoàn thần tốc lao vào sân bay đánh chiếm các cứ điểm. Trận đánh chiếm các mục tiêu diễn ra trong sân bay kéo dài đến 10h30 thì kết thúc. Tiểu đoàn 1 anh hùng của chúng tôi đã chiếm và làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn. Khoảng hơn 12 giờ trưa ngày 16-4, trước cổng chính của sân bay Thanh Sơn hướng ra Tháp Chàm xuất hiện 2 xe tăng và bộ đội của ta tiến vào. Bộ đội Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 25 gặp các chiến sỹ của Sư đoàn 3 sao vàng ôm chầm lấy nhau, không cầm được nước mắt…

40 năm đã trôi qua, từ một chiến sỹ của tiểu đoàn anh hùng, sau trận đánh sân bay Thành Sơn và tham gia đánh Phun-rô và bảo vệ biên giới. Tháng 12-1977, tôi được chuyển ngành ra Bắc đi học, rồi về làm cán bộ Tỉnh đoàn Thanh Hóa và 20 năm cuối cùng chuyển sang làm báo chuyên nghiệp, làm Trưởng đại diện Báo Thanh niên tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tôi đã đi đến nhiều nơi và có đôi lần đi qua Ninh Thuận. Nhiều lần, tôi dừng xe ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, hướng mắt về sân bay Thành Sơn và xa hơn nữa là rừng núi Bác Ái. Lòng bồi hồi, xúc động khi trở mảnh đất kiên trung một thời máu lửa, trong đó có phần nhỏ của mình trong đội hình những đơn vị lớn đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang-Tháp Chàm của địch trên mảnh đất Ninh Thuận thân yêu!