Đỏ au bình gốm em trao,
Đất nung qua lửa sắc màu trinh nguyên.
Hoa văn làng gốm hoa tiên,
Người về thao thức mắt huyền Chăm nương.
Thái Sơn Ngọc
Mỗi nhà thơ thường gắn với một miền quê, một ngành nghề, Thái Sơn Ngọc có nhiều duyên nợ và có nhiều bài thơ hay viết về làng Chăm, về làng gốm Bàu Trúc, nơi có nghề truyền thống làm gốm nổi tiếng tại Ninh Thuận.
Bài thơ mở đầu: Đỏ au bình gốm em trao. Câu thơ chỉ đơn thuần thông báo, người đọc không biết được: Em trao vào lúc nào, sáng sớm hay vào chiều, vào hạ hay tiết thu sang, mưa hay nắng… Ta chỉ biết người con gái nở nụ cười tươi trên tay chiếc bình gốm và… nàng ân cần trao tặng tận tay nhân vật trữ tình với thái độ trân trọng, nâng niu. Chỉ cần thế là vừa đủ cho sự ra đời của một tứ thơ! Câu kể, càng tiết kiệm chữ, càng bớt được sự kể lể thì càng tăng chất lượng trữ tình của thi phẩm.
Đỏ (đi liền với au, đỏ tươi) của gốm được tác giả gây ấn tượng ngay khi ánh mắt người đọc vừa chạm vào chữ đầu tiên của bài thơ. Dễ gì một định ngữ đỏ au đi liền sau danh từ bình gốm mà lại được tác giả khéo can thiệp và thật tế nhị, đặc cách thế chỗ mà chẳng mất lòng ai, đưa lên đứng đầu câu thơ.
Từ màu nâu cố hữu của chất đất bình dị, trải qua bàn tay khối óc nghìn đời tinh xảo các nghệ nhân Chăm, đất ấy, giờ đây bỗng trút bỏ hết cái thô mộc, tạp chất, quê kiểng để “lột vỏ” biến đổi thành chất cao sang, thanh thoát, ích dụng. Ngay trong giờ phút ấm nóng, nâng niu trên tay người trao và người nhận, đất đai xứ sở này, đang là sản phẩm được kết tinh sắc màu lung linh nguyên khiết, mỹ mãn. Đất “bỗng hóa tâm hồn”, vật chất đã lên men thành một tinh thể lấp lánh ánh mặt trời! Tôi rất tâm phục, khẩu phục câu nói của ai đó cho rằng “khi cùng với nhào trộn đất làm gốm thì người nghệ nhân nơi này cũng nhào trộn cả hư không trong lòng bình nữa”. Vâng, tuyệt thế và hơn thế!
Đang ngây ngất với vẻ đẹp sắc màu, tác giả - nhân vật trữ tình (và cả người đọc nữa) từ mộng mơ bỗng như sực tỉnh quay trở về với thực tại: Hoa văn làng gốm hoa tiên.
Nét tinh hoa đặc sắc nhất gốm Chăm được tác giả tô đậm: Hoa văn với những nét vẽ tinh xảo riêng biệt mà chắc “không nơi nào có được”. Hoa văn gốm nơi này hoàn mỹ chỉ, có hoa tiên may ra mới sánh được. Tác giả tôn vinh hoa văn đến thế là cùng!
Làng Gốm hóa thân thành nhịp cầu truyền thống uyển chuyển cong nhịp, nối liền bờ này, Hoa văn sang bờ kia, Hoa tiên in bóng xuống dòng sông lục bát, dòng sữa mẹ ngọt mát hồn Việt, hồn quê...
Câu kết xuất hiện đúng lúc: Người về thao thức mắt huyền Chăm nương.
Ai hiểu cho hết những xúc cảm gì, những tình cảm nào, những suy nghĩ gì ở trong trạng thái thao thức của người về- người thơ ở đây? Thao thức về truyền thống nghề nghiệp gốm nghìn năm của cha ông, thao thức về những con người lao động cần cù, sáng tạo làm nên mọi giá trị vật chất và tinh thần; thao thức về những con người (trong đó có em gái Chăm với đôi mắt huyền) lam lũ mà vẫn hào hoa; thao thức về tương lai nghề gốm và các ngành nghề truyền thống tốt đẹp khác sẽ ra sao, khi con thuyền đất nước giương buồm lộng gió hội nhập ra biển lớn cùng nhân loại…
Tác giả Gốm Chăm… thao thức. Và mỗi người thưởng thức, cảm nhận thơ cùng… thao thức.
Thái Hà