“Mẹ ơi, con muốn nhà mình nghèo”

(NTO) Thời kinh tế thị trường, ai cũng mong muốn làm giàu, đó là cú huých cho sự phát triển của từng gia đình đến thôn xóm, khu phố… và sự phồn vinh cho quê hương, đất nước. Mong muốn “giàu có” lây lan đến tâm hồn của những trẻ thơ, cái tuổi đúng ra chỉ biết chơi, ngủ, học. Nhưng chúng có những mong muốn nghe thì nghịch lý nhưng buộc các bậc cha mẹ phải suy nghĩ điều chỉnh hành vi của mình.

“Mẹ yêu ai nhất”

Đó là câu hỏi mà cô bé học lớp một, con bạn tôi hay hỏi mẹ nó. Cháu chỉ muốn mẹ yêu cháu nhất. Mẹ cháu lại thích hỏi ngược: Thế con yêu ai nhất? Cháu nói: Con yêu mẹ nhất, yêu ba nhất, yêu chị hai nhất. Và mỗi lần như thế mẹ cháu gắng hỏi: Nhưng con yêu ai nhất? Cháu chỉ nói khi có một mình mẹ: Con yêu mẹ nhất! Con yêu mẹ, mẹ yêu con, nghe mẹ con họ nói chuyện với nhau thật đáng yêu. Thế rồi, có lần mẹ cháu hỏi: Đố hai đứa, mẹ yêu ai nhất? Các con thi nhau giành mẹ yêu nó nhất nhưng chị chỉ mỉm cười. Thế rồi chúng đoán: Mẹ yêu ba nhất, bà ngoại nhất… Câu chuyện mẹ yêu ai nhất giữa ba mẹ con chỉ ngừng lại khi cha chúng xen vào: Mẹ yêu… tờ xanh nhất (giấy bạc năm trăm ngàn đồng). Cha chúng nói vui nhưng hằng ngày có đủ thứ chi mà mẹ nó phải “liệu cơm gắp cá”: Nào tiền học thêm đứa lớn, đứa nhỏ tháng hết một suất lương, nào quần áo cho con vào năm học mới, rồi cưới xin, sinh nhật, nợ ngân hàng…Đấng mày râu nào dũng cảm thử làm mẹ một tháng, quản lý thu, chi trong gia đình cũng sẽ thừa nhận các chị giỏi thiệt!

“Mẹ ơi, con muốn nhà mình nghèo”

Vợ chồng cô bạn tôi thuộc loại gia đình kinh tế khá trong khu phố. Ngoài tiền lương thì thu nhập từ nghề tay trái làm kế toán doanh nghiệp mỗi tháng khoảng vài chục triệu đồng. Họ có ngôi nhà hai lầu xinh xắn với hai cô con dễ thương, thông minh lanh lợi. Mọi người trong khu phố gọi họ là cặp vợ chồng mơ ước. Cô út mới học lớp một đã có tư duy kinh tế. Cháu khoe với mẹ: Hôm nay, con làm được mười ngàn, rồi ngày khác hai mươi ngàn… Rồi cháu cho biết: Con mua sợi dây năm ngàn, kết thành vòng đeo tay, bạn thích, con bán mười ngàn; Con vẽ tranh bạn thích mua 2 ngàn… Thấy cô bé có vẻ hào hứng với việc kinh doanh, mẹ cháu ôn tồn bảo: Con không được lấy tiền bạn, việc của con là học. Cô bé không chịu phụng phịu: Bạn thích, con chỉ lấy tiền công. Bởi vậy họ đúng là gia đình mơ ước. Nhưng trời có lúc nắng, lúc mưa và vợ chồng bạn tôi cũng vậy. Họ cư xử với nhau cứ “hư hư, thực thực”. Có lần, anh chồng đi chơi tennis từ sáng đến chiều mới về tranh thủ nịnh đầm: Ai mà xinh quá ta, chuẩn bị đầu tư trong nước, ngoài nước gì mà trông đẹp như người mẫu! Cô vợ nhẹ nhàng bảo: Đầu tư xong rồi, lo giữ “nhà tự” nha, mẹ con em “xuất ngoại” (về nhà mẹ mình). Cô vợ thì hay lấp lửng: Mẹ thích cái gì con biết không? Cái nho nhỏ lấp lánh bảy sắc cầu vồng ấy (nhẫn đính kim cương), ước gì Ngày 8 tháng 3 có người tặng mẹ nhỉ? Anh chồng nói như hát: Đầu tư tốn kém biết bao nhiêu công sức, tiền bạc mà sao chẳng đại gia nào để ý nhỉ? Thế là chiến tranh xảy ra: Anh tưởng anh ngon lắm hả, viết giấy đi…, cô viết đi tôi giải phóng cho cô ngay… Chỉ tội hai đứa con, mỗi lần cha mẹ nó ngọt nhạt là chúng nó như kẻ mất hồn. Trong dịp tết vừa rồi, thấy bé ngồi khóc một mình tôi hỏi: Sao bé khóc vậy? Cháu nói: Cháu không thích nhà giàu. Thấy mẹ đến, nó mếu máo “Mẹ ơi con muốn nhà mình nghèo”. Chuyện ra sao tôi không hiểu nhưng ít ngày sau mẹ cháu cho biết: Con bé nó biểu, nhà cậu nó nghèo mà vui vẻ hạnh phúc, nghe mà não cả ruột gan! Người lớn thì thích giàu có, còn con trẻ lại muốn nhà mình nghèo.

Người xưa dạy “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” để nhắc nhở trách nhiệm của người làm cha mẹ gìn giữ, vun đắp mối quan hệ máu thịt trong mỗi gia đình. Dù xã hội có hiện đại đến đâu, dù kinh tế có phát triển thế nào chăng nữa thì đó chỉ là phương tiện đưa gia đình đến bến bờ hạnh phúc còn quyết định hạnh phúc gia đình là của người cha, người mẹ.