Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Lập quy hoạch bảo vệ môi trường theo 2 cấp độ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trong đó Nghị định quy định, quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo 2 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm những nội dung chính: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; Thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; Thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái; Thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và bảo vệ môi trường nước...

Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch.

Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh cũng phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương lập quy hoạch, trong đó các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình xây dựng đề cương, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường.

Nghị định cũng quy định cụ thể việc thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường thành lập. Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định đồng thời với việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

Một số dự án phải đánh giá tác động môi trường

Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định rõ, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề và các khu sản xuất kinh doanh tập trung khác; dự án xây dựng cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế khác có quy mô từ 50 giường trở lên; dự án xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng; dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu...

Chủ các dự án trên có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.

Quy định nhuận bút tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Theo đó, nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình), không phân biệt vật liệu ghi hình, căn cứ vào thể loại, chất lượng, được trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh theo tỷ lệ phần trăm của chi phí sản xuất được duyệt.

Trường hợp chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu và các loại hình tác phẩm thể hiện dưới hình thức tương tự khác sang kịch bản điện ảnh thì biên kịch chuyển thể hưởng từ 60-70% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng thể loại quy định, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm chuyển thể.

Tác giả tác phẩm điện ảnh dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhuận bút khuyến khích bằng 5-10% mức nhuận bút của tác phẩm cùng loại.

Bên sử dụng tác phẩm trả thù lao cho diễn viên điện ảnh và nhuận bút, thù lao cho các chức danh nghề nghiệp thuộc các trường hợp khác chưa được quy định thông qua hợp đồng thỏa thuận.

Trường hợp tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất cao do các yêu cầu đặc biệt của thiết bị, vật liệu hoặc chi phí lớn khi quay bối cảnh tại nước ngoài, thì mức nhuận bút, thù lao cao nhất không quá 2 lần mức nhuận bút, thù lao của tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất bình quân được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật

Nghị định cũng quy định cụ thể nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật, theo đó, bên sử dụng tác phẩm mẫu thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mức nhuận bút theo tỷ lệ phần trăm giá thành tác phẩm, không quá các mức được quy định.

Cụ thể, đối với tác phẩm có giá thành đến 1 triệu đồng, mức nhuận bút không quá 60% giá thành tác phẩm. Nếu tác phẩm giá thành từ 1-5 triệu đồng, nhuận bút tác giả được hưởng không quá 60-40% giá thành tác phẩm;... Đối với tác phẩm có giá thành 9-10 tỷ đồng thì mức nhuận bút không quá 4,7-4,5% giá thành tác phẩm.

Đối với tác phẩm có giá thành trên 10 tỷ đồng, nhuận bút được tính bằng mức nhuận bút của tác phẩm có giá thành 10 tỷ đồng và 1% của phần giá thành tác phẩm vượt quá 10 tỷ đồng.

Trường hợp tác giả chỉ vẽ mẫu, chưa thể hiện thành tác phẩm mẫu thì thì tác giả vẽ mẫu hưởng từ 50-70% mức nhuận bút quy định, phần còn lại được trả cho những người khác dựa vào mẫu vẽ để thể hiện thành tác phẩm mẫu.

Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Bắc Giang

Phấn đấu đến năm 2020, đưa Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu về chỉ tiêu GDP/người của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và bằng 90 - 95% mức trung bình của cả nước.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Về công nghiệp, xây dựng, Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14-14,5%/năm, trong đó, phát triển các sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mạng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa, gồm: Điện tử các loại và linh kiện, cơ khí phục vụ sản xuất ô tô, xe máy, tham gia cụm tương hỗ điện tử, cơ khí vùng Hà Nội; công nghiệp dệt may để tận dụng lợi thế về lao động cũng như khả năng phát triển; đồng thời, thu hút doanh nghiệp cung cấp nguyên, phụ liệu trong bối cảnh tham gia các hiệp định mới.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.322 ha, 36 cụm công nghiệp với diện tích 682,99 ha.

Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng trưởng 3 - 3,5%/năm

Bắc Giang cũng phấn đấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3 - 3,5%/năm. Cụ thể, phát triển sản phẩm chủ lực, gồm vải thiều (trọng tâm là vùng Lục Ngạn) và cây ăn quả (trọng tâm là cây có múi), phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng; từng bước hình thành cụm tương hỗ quả nhiệt đới khu vực thị trấn Chũ.

Từng bước xây dựng cụm tương hỗ gà đồi Yên Thế với quy mô từ 6 - 8 triệu con, hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu; phát triển đàn lợn quy mô trên 1 triệu con gắn liền với công nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhóm rau chế biến và nấm tập trung phát triển và hình thành vùng chuyên canh cung cấp sản phẩm tại thành phố Bắc Giang, các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam…, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm công nghệ cao.

Sản phẩm gỗ và phát triển rừng bền vững tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam; chuyển từ trồng rừng kinh tế sang trồng các loại cây gỗ lớn kết hợp với cây dược liệu và phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển các loại cây như cây lúa, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương); gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản (trọng tâm là cá) đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung cấp một phần cho các thị trường trong khu vực.

Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm trung du, miền núi phía Bắc

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch), đến năm 2020, sẽ xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục - đào tạo.

Đến năm 2020, Thái Nguyên sẽ có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh đó, thực hiện tăng trưởng xanh với mức độ phát thải các-bon giảm dần, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh cho cả vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Cụ thể, về kinh tế, đến 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Thái Nguyên đạt 10 - 11,0%/năm; GDP bình quân đầu người (theo giá thực tế) đạt khoảng 80 - 81 triệu đồng, tương đương 3.100 USD (bằng mức trung bình của cả nước). Cơ cấu kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47-48,0%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 39,5 - 40,5% và khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 11,5 - 14,0%.

Về văn hóa, xã hội, theo Quy hoạch, phấn đấu giảm tỷ suất sinh hàng năm khoảng 0,01 - 0,02%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,8 - 2,0%/năm. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập trung học cơ sở đúng tuổi; phấn đấu phổ cập giáo dục bậc trung học ở những địa bàn có điều kiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 43%); hàng năm giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị còn 3,7%.

Số giường bệnh/10.000 dân là 35 - 36 giường (chỉ tính giường bệnh trong các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực); 80% số xã đạt chuẩn y tế quốc gia; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 10%.

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng công nghệ xanh, sạch với tỷ lệ ngày càng tăng trong sản xuất công, nông nghiệp và trong dịch vụ, nhất là trong khai thác tài nguyên thiên nhiên; giá trị các ngành sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm 30 - 32% GDP tỉnh.

Phấn đấu trên 80% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% rác thải sinh hoạt, rác thải y tế được xử lý, 60% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn B; cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 8 - 10% so với năm 2010; môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp được kiểm soát.

Phát triển mở rộng các đô thị gắn kết với vùng phụ cận; chỉnh trang, nâng cấp kết cấu hạ tầng để thành phố Thái Nguyên xứng tầm là đô thị loại I; các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại có kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, sẽ xây dựng thành phố Thái Nguyên là thành phố sinh thái, có chức năng tổng hợp (quản lý nhà nước, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng và thương mại).

* Một số dự án được ưu tiên nghiên cứu đầu tư của Thái Nguyên đến năm 2020: Dự án Đường Quốc lộ 3 mới, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Kạn; Xây dựng mới đường Hồ Chí Minh; Nâng cấp tuyến đường sắt Thái Nguyên - Núi Hồng - Tuyên Quang; Nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá; Tiếp tục đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên; Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên; Dự án Trung tâm hội nghị Văn hoá vùng Việt Bắc; Dự án đầu tư cung cấp điện cho các xóm, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối, chợ nông thôn; Dự án đầu tư và phát triển giống nông lâm nghiệp thủy sản chất lượng cao; Xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh; Các dự án xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ đập…

Công nhận TP Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của tỉnh Ninh Thuận; có vị trí giao thông thuận lợi (đường bộ, đường sắt) gần cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Thành phố có thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,45 lần so với cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2012 - 2014 đạt 14,59%/năm.

Thành phố có một số lĩnh vực phát triển như chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Ninh Thuận và khu vực lân cận.

Đẩy lùi bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020" với mục tiêu 80% cán bộ Hội Nông dân các cấp được đào tạo nâng cao năng lực về giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các kỹ năng vận động, tư vấn người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; 80% Hội viên nông dân cam kết nói không với bạo lực gia đình.

Đề án sẽ có các hoạt động cụ thể như tổ chức các hoạt động vận động, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; xây dựng mô hình vận động, tư vấn, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, vốn vay, khuyến nông cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của các cấp Hội, báo chí, tuyên truyền vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội về phòng, chống bạo lực gia đình cho Hội viên nông dân.

Để thực hiện Đề án cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng đối tượng tuyên truyền là người gây ra bạo lực gia đình; nâng cao năng lực của cán bộ Hội Nông dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn; đẩy mạng việc hỗ trợ hợp tác với các Tổ chức Quốc tế nhất là Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình có trụ sở chính tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Trung tâm này trực thuộc UBND tỉnh Hòa Bình, là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình theo quy định.

Sớm đưa các nhà máy điện mới tham gia thị trường điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện mới là đối tượng sẽ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sớm hoàn thiện các điều kiện tiên quyết, đồng bộ với giai đoạn chuẩn bị vận hành thương mại, để sớm đưa các nhà máy điện mới tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Sau hơn 2 năm hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tích cực; EVN, PVN, Vinacomin cùng các doanh nghiệp ngành điện khác đã tham gia phối hợp có hiệu quả, qua đó nhiều hạng mục công việc cần triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã cơ bản được hoàn thành. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các bước nghiên cứu phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam để dự kiến đưa vào vận hành thí điểm theo kế hoạch dự kiến.

Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam vẫn còn có một số hạn chế nhất định mà Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường vẫn còn chưa cao và tăng chậm, làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện; việc mở rộng đối tượng tham gia thị trường phát điện đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu còn lúng túng; chưa xác định được cơ chế cho các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tham gia thị trường điện...

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, khắc phục những điểm còn hạn chế nêu trên và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được duyệt là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát các quy trình thanh toán trong thị trường phát điện cạnh tranh, bảo đảm tính chặt chẽ, công bằng và phù hợp với các quy định hiện hành về công tác kế toán, tài chính.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư nâng cấp, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo phát triển lưới điện truyền tải đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy trong các chế độ vận hành của thị trường điện. Trước mắt bổ sung các công cụ để xử lý nghẽn mạch truyền tải trên hệ thống, đảm bảo tính minh bạch trong vận hành thị trường điện.

Hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015.

Trong đó phải xác định yêu cầu độc lập của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO) phù hợp với yêu cầu vận hành VWEM và hệ thống điện quốc gia. Cân nhắc kỹ lộ trình tách SMO ra độc lập phù hợp với yêu cầu bảo đảm ổn định và an ninh cung cấp điện, kết hợp với việc nâng cao tính minh bạch, công bằng trong vận hành VWEM.

Đồng thời xác định rõ yêu cầu độc lập của Cơ quan điều tiết điện lực trong việc phát triển thị trường điện lực cạnh tranh qua các cấp độ, qua đó xác định lộ trình tách Cơ quan điều tiết điện lực độc lập, phát triển Hội đồng/Ủy ban điều tiết điện lực trong tương lai; xây dựng cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.

Xây dựng kế hoạch các bước triển khai VWEM phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó xem xét thí điểm VWEM ban đầu theo mô hình tính toán trên giấy (Paper Market) để có số liệu đánh giá các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện thị trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, tạo điều kiện để xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ thu xếp nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác xây dựng và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu xây dựng khung pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển thị trường điện theo đúng lộ trình được duyệt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án đưa các thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đề xuất các điều kiện để có thể khai thác có hiệu quả các công trình này, đáp ứng các nhiệm vụ của công trình, trình Bộ Công Thương trong tháng 4/2015.