Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định rõ hơn về phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giữa trung ương và địa phương. Dự thảo Luật phải sửa đổi theo hướng quy định các khoản thu, nhiệm vụ chi sao cho thể hiện rõ vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTW).

Cho rằng mặc dù theo quy định của Luật, NSTW giữ vai trò chủ đạo nhưng trên thực tế hiện nay, vai trò này đang bị giảm sút do nguồn thu của NSTW hạn chế trong khi nhiệm vụ chi ngày càng tăng. Mặt khác, trong thời gian tới, khoản thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ ngày càng thu hẹp do thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; thu từ dầu thô không chắc chắn do giá dầu thô phụ thuộc giá thế giới và có xu hướng giảm; giảm các khoản thu phân chia; vay nợ của Chính phủ cũng sẽ giảm do nợ công đang tiệm cận đến giới hạn cho phép… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần bổ sung các nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt là khoản thu NSTW hưởng 100% và quy định rõ hơn các hoa lợi gắn với tài sản thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan trung ương quản lý cũng thuộc khoản thu này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo lại cho rằng, theo quy định của dự thảo Luật thì thu NSTW được hưởng theo phân cấp chiếm bình quân khoảng 66%-70% tổng thu NSNN, nếu tính cả bội chi NSNN chiếm khoảng 70%-75% tổng nguồn thu NSNN; thu ngân sách địa phương (NSĐP) theo phân cấp chiếm bình quân khoảng 25%-30% tổng nguồn NSNN, do vậy, NSTW đã chiếm vai trò chủ đạo. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Về chi ngân sách, ý kiến giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng có sự khác biệt. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, để tăng cường phân cấp ngân sách và phát huy vai trò của NSTW, tránh trùng lặp, lãng phí trong một số khoản chi, cần quy định NSTW bảo đảm các khoản chi quan trọng, nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (các khoản chi quốc gia), như chi về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, chi đầu tư cơ sở hạ tầng có tính liên kết vùng về giao thông, thủy lợi... Đồng thời, cần bổ sung quy định Quốc hội quyết định phân bổ đến nội dung nhiệm vụ chi cụ thể, đơn vị sử dụng ngân sách để có thể kiểm soát và quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị, do nội dung tiếp thu, giải trình phức tạp, cần lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, địa phương, nên để bảo đảm quy định có tính khả thi cao, cần có nhiều thời gian để hoàn chỉnh Dự thảo. Mặt khác, Luật NSNN (sửa đổi) cần được Quốc hội thông qua sau Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ủy ban Tài chính – Ngân sách và cơ quan soạn thảo đồng kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua Dự thảo Luật vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015). Việc Quốc hội thông qua Luật NSNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 vẫn đảm bảo thời gian tổ chức hướng dẫn thực hiện Luật vì dự kiến Luật có hiệu lực từ 1-1-2017.

Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để đảm bảo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa Trung ương và địa phương thì Luật NSNN (sửa đổi) cần được Quốc hội thông qua sau Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Luật tổ chức chính quyền địa phương phải chỉ đạo việc bố trí ngân sách, Trung ương làm gì, địa phương làm gì dẫn tới là ngân sách Trung ương thế nào, ngân sách địa phương thế nào, quyền của địa phương và quyền của Trung ương như thế nào về ngân sách. Ngân sách là một việc trong rất nhiều việc của chính quyền địa phương. Thế cho nên khi làm Luật tổ chức chính quyền địa phương thì phải kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đủ cả, từ đó yêu cầu các luật kia phải thế nào cho phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương nhưng đồng ý là ngân sách là hệ trọng nhất thì hai bên phải đi với nhau cho khớp.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ luật này ra đời sẽ góp phần như thế nào trong việc bảo đảm nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn so với hiện nay. Về quy trình ngân sách, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm, Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể NSTW cũng như dự toán NSNN để Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa đặt ra vấn đề đổi mới quy trình quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam