Ninh Phước: Nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa

(NTO) Ninh Phước có lợi thế về đất đai, nguồn nước cho phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững. Để từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, vụ lúa đông -xuân này, địa phương nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên quy mô diện tích 1.950 ha trong tổng diện tích sản xuất lúa 4.200 ha.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Chủ trương nhân rộng mô hình của huyện là nhằm sớm hình thành vùng chuyên canh cây trồng theo hướng tập trung, an toàn, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản. Để đi đến quyết định mang tính “đột phá” như hiện nay, nhiều vụ trước, huyện đã triển khai thí điểm mô hình ở nhiều địa phương mang lại kết quả cao nên đã mạnh dạn sản xuất đại trà.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa vụ đông - xuân.Ảnh: Văn Nỷ

Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa triển khai đầu tiên tại thôn Trường Thọ (xã Phước Hậu) trong vụ đông -xuân 2010-2011 với quy mô 10 ha. Kết quả, mô hình giảm được nhiều chi phí, năng suất và lợi nhuận cao hơn 10% so với sản xuất thông thường. Cụ thể, mỗi ha lúa sản xuất theo mô hình giảm được hơn 100 kg giống, 35 kg đạm, 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 3,6% thất thoát khi thu hoạch. Trong khi đó, năng suất đạt bình quân 7,2 tấn/ha, cao hơn sản xuất thông thường 1 tấn/ha. Từ chỗ chi phí đầu tư thấp, năng suất cao, nên thu nhập ruộng mô hình cao hơn sản xuất theo tập quán cũ 7,3 triệu đồng/ha. Chính nhờ ưu điểm vượt trội, nên mô hình được duy trì, nhân rộng những năm tiếp theo, đến vụ đông -xuân 2013-2014 đã tăng lên 1.149 ha. Thành công qua thực hiện mô hình điểm, đã xóa được tâm lý e dè, do dự của nông dân, từ đó mạnh dạn áp dụng. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, khi Huyện ủy, UBND huyện đề ra chủ trương mở rộng diện tích mô hình trên tất cả 9 xã, thị trấn ở vụ đông-xuân này và được sự đồng thuận hưởng ứng cao của nông dân. Trước thềm năm mới, tại xã Phước Hậu và Phước Thái (2 xã có diện tích mô hình lớn nhất huyện), không khí sản xuất rất sôi nổi. Hàng chục máy cày lớn, nhỏ của các hộ gia đình được huy động làm đất, gieo sạ. Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: Vụ này xã có 1.000 ha lúa sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm”. Điểm mới của mô hình là bà con liên kết lại, đồng loạt gieo sạ cùng một loại giống, nên tạo thuận lợi cho chăm sóc, theo nước và đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Chương trình mở rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong vụ đông-xuân 2014-2015 ở huyện Ninh Phước đang diễn ra đúng theo kế hoạch. Các xã thực hiện mô hình được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, dụng cụ sạ hàng (mỗi xã 15 chiếc). Hiện nay, khâu xuống giống cơ bản hoàn thành, cán bộ kỹ thuật huyện đã về cơ sở kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng theo quy trình. Đồng chí Lưu Văn Thủy cho biết thêm: Chúng tôi hoàn toàn an tâm về khâu kỹ thuật, bởi nông dân có kinh nghiệm trong canh tác lúa, tiếp thu nhanh quy trình sản xuất mới.

Điều lo lắng nhất hiện nay là công tác điều tiết nước hợp lý để cho lúa phát triển. Lúa canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm” mỗi vụ vào nước từ 4 đến 5 lần, do đó yêu cầu phải chủ động nguồn nước. Toàn huyện Ninh Phước có 3 hồ chứa, 3 đập dâng và hệ thống đập Nha Trinh, tổng diện tích tưới 4.260 ha, nhưng với tình hình khô hạn hiện nay, chỉ có hồ Lanh Ra và các đập còn nước sản xuất, nếu thời tiết tiếp tục không có mưa thì nguy cơ thiếu nước là điều không tránh khỏi. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hữu Đức cho biết: Tình hình này sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên huyện cũng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Trường hợp đập Nha Trinh “hụt” nước, thì sẽ điều tiết nước từ hồ Lanh Ra tiếp ứng cho hệ thông kênh Nam đảm bảo đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa mô hình “1 phải, 5 giảm”