Quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế

Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ chỗ là một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế bị kiệt quệ sau chiến tranh, thiếu đói nhiều năm, đến nay, nước ta đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình, sản xuất lương thực không chỉ bảo đảm cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới. Nền kinh tế Việt Nam được quốc tế đánh giá là năng động và giàu tiềm năng. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc vận hành nền kinh tế thị trường cũng đã gặp những trở lực nhất định từ tư duy và thể chế.

Hội thảo phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN
qua 30 năm đổi mới tại Hải Phòng. Nguồn: Tuyengiao.vn.

Để kinh tế thị trường phát huy hết mặt tích cực của nó, để giải phóng triệt để sức sản xuất nhằm tạo ra nhiều của cải cho xã hội hơn nữa, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì cần có những tư duy kinh tế thông thoáng hơn, phù hợp với xu thế của thế giới hơn. Trong đó, các yếu tố của kinh tế thị trường phải hình thành đầy đủ, các loại thị trường phát triển đồng bộ với độ minh bạch cao, được quản lý và giám sát tốt. Từ đó, thị trường xác lập sự cân bằng động trong phân bố nguồn lực vào các ngành sản xuất và dịch vụ theo tín hiệu thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề lớn về phát triển kinh tế-xã hội như: Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016 -2020… Một số vấn đề đã được khẳng định tính đúng đắn trong thực tiễn sẽ tiếp tục được thực hiện ở mức cao hơn trong thời gian tới. Trong đó, mấy điểm đáng chú ý là:

Thứ nhất, Đảng khẳng định phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Đảng ta khẳng định là mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo quan điểm của Đảng, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, văn kiện Đại hội Đảng XI nêu rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước”.

Thứ hai, một tiêu chí quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là mức độ cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Cạnh tranh làm bộc lộ khả năng của các chủ thể kinh tế. Trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thị trường buộc phải phát huy lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh; đồng thời, luôn tìm cách tạo lập lợi thế cạnh tranh mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đảng ta xác định là hạn chế tối đa độc quyền kinh doanh trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Những ngành nghề mà tính độc quyền còn cao sẽ được xác định rõ để có chính sách và giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh. Các doanh nghiệp Nhà nước được đưa vào quá trình cải cách, tái cơ cấu, được đặt vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại trên thực tế. Trong đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh, minh bạch hoạt động trên thị trường chứng khoán. Cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước được đổi mới theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Thứ ba, Đảng chủ trương phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện luật pháp về sở hữu đối với các loại tài sản mới như: Sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước… Đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả. Các chủ thể có quyền và nghĩa vụ như nhau trong sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Thứ tư là vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường đang được thay đổi theo hướng chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Theo đó thì chức năng của Nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Cùng với đó, trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm đến bản chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế mà Việt Nam đang xây dựng. Có thể thấy rõ rằng, thị trường hoạt động theo quy luật của nó, thị trường có những mặt tiêu cực và tự nó không bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển. Chức năng này phải là của Nhà nước. Nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch, các chính sách và công cụ điều tiết, hướng các nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực và các vùng miền, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Nhìn vào thực tế thời gian qua có thể thấy rõ, nếu vai trò của Nhà nước không được đặt đúng mức thì làm sao có thể có được nguồn lực đủ mạnh để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, làm sao triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, vai trò của Nhà nước còn rất rõ ràng trong việc phát triển văn hóa; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng rộng mở và hiệu quả, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Để bảo đảm những chính sách đúng đắn được thực thi hiệu quả, Đảng và Nhà nước đã chủ trương cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: Thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công gắn với một hệ thống phân cấp hợp lý, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng quản trị công. Việc tăng tính minh bạch và khả năng dự đoán của chính sách sẽ vừa giảm sự bất định, độ rủi ro đối với nhà đầu tư, vừa tránh đầu cơ, ngăn chặn tham nhũng và giảm các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế cũng được mở rộng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiềm lực kinh tế Việt Nam ngày càng dồi dào hơn. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, để tăng tốc, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển thì Việt Nam cần nỗ lực rất lớn. Những quan điểm đổi mới của Đảng trong vấn đề xây dựng kinh tế sẽ mở ra các cơ hội phát triển thuận lợi hơn cho đất nước ta trong giai đoạn sắp tới.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân