Nhiều nơi còn thiếu nghiêm túc trong việc tiếp công dân

Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng, thủ trưởng một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đây là nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và báo cáo của ngành Thanh tra nêu rõ tại Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 22/1 tại Hà Nội.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch công tác để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Công tác thanh tra năm 2014 đã bám sát định hướng, kế hoạch và đạt được nhiều kết quả; đã sớm xây dựng và triển khai kế hoạch công tác thanh tra theo đúng nội dung, yêu cầu và định hướng. Công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra được quan tâm hơn; kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra được nâng lên; công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý sau thanh tra có nhiều tiến bộ.

Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, nhất là việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân. Việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng đã trở thành công việc thường xuyên của các ngành, các cấp, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh chính trị-xã hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thường xuyên và đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó đã tập trung giúp thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện, trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được ngành Thanh tra tiếp tục thúc đẩy, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác của ngành năm 2014 vẫn còn những hạn chế, tồn tại, cụ thể: Một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế, số cuộc thanh tra đột xuất còn chiếm tỷ lệ khá cao. Chất lượng một số kết luận thanh tra còn thấp; không ít cuộc thanh tra còn chậm kết luận do thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra kéo dài.

Một số bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng chưa theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Việc triển khai thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, chưa bám sát định hướng. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thu hồi tài sản, đất đai chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu.

Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng, thủ trưởng một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn; nhiều vụ việc giải quyết chưa đảm bảo quy trình, quy định; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn chậm.

Qua phân tích kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy chất lượng thực thi công vụ của các cơ quan hành chính và của đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, cán bộ thực thi nhiệm vụ còn né tránh, đùn đẩy. Một số địa phương, tình trạng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà ngành Thanh tra đạt được năm 2014, góp phần quan trọng vào ổn định và phát triển đất nước như kết quả xử lý sau thanh tra có nhiều cố gắng, thu hồi tiền và tài sản sau thanh tra năm nay đã cao hơn năm trước, đặc biệt là xử lý về đất đai.

Giai đoạn 2007-2011, việc xử lý sau thanh tra về tiền và tài sản chỉ đạt gần 30% thì năm nay đã đạt gần 70%. Nhưng con số này chưa đánh giá đúng thực chất và chưa thỏa mãn vì mục tiêu của ngành Thanh tra là xử lý sau thanh tra phải đạt 80-90% thì kết quả xử lý sau thanh tra mới mang hiệu quả cao.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là chế tài xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh. Do đó, sau kết luận thanh tra, việc thực hiện còn có những điểm chưa đồng thuận trong đối tượng thanh tra, cơ quan có trách nhiệm cũng như đoàn thanh tra. Năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra dù đã cố gắng, nâng lên nhưng một số kết luận thanh tra đạt chất lượng chưa cao nên việc thực hiện kết luận thanh tra chưa đạt yêu cầu.

Ý thức chấp hành kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra chưa được cao. Khi kết luận đúng rồi nhưng đối tượng thanh tra thường viện nhiều lý do, trong đó có khả năng thực hiện và ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt khiến việc xử lý sau thanh tra chưa đạt yêu cầu mong muốn.

Điều dễ nhận thấy là năm 2015, lãnh đạo một số địa phương và bộ, ngành chưa dành thời gian tiếp công dân theo Luật; việc tham mưu triển khai công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Để khắc phục trong thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tập trung vào một số việc như xây dựng nghị định xử lý sau thanh tra để thực hiện Luật Thanh tra; tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng trong các kết luận thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi để thực hiện chất lượng thanh tra có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm, ý thức của đối tượng thanh tra, phải chấp hành đúng quy định pháp luật thì thực hiện kết luận thanh tra mới mang lại hiệu quả, đảm bảo kỷ cương.

Phó Thủ tướng lưu ý, năm 2015 kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Thanh tra, do đó cần sớm xây dựng và trình Chiến lược ngành Thanh tra với tầm nhìn đến năm 2035; tích cực triển khai các hoạt động của mình góp phần vào tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Các ngành, các cấp phải dành thời gian tiếp công dân, đối thoại với công dân để giải quyết các vấn đề bức xúc của dân chứ không phải chỉ chuyển hồ sơ cho cơ quan khác; kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng do khiếu nại, tố cáo kéo dài tại các địa phương...

Đặc biệt, ngành Thanh tra phải tham mưu, chỉ đạo các giải pháp về phòng chống tham nhũng tại các bộ ngành, địa phương. Muốn vậy, phải tăng cường công tác phát hiện, xử lý trong phòng chống tham nhũng với phương châm nỗ lực, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu cho lãnh đạo và xử lý công tác này đạt kết quả cao hơn.

Nguồn www.chinhphu.vn