Giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh trung học

(NTO) Giao tiếp là sự chia sẻ ý nghĩ, tình cảm, thông tin với một hoặc nhiều người. Trong giao tiếp, chúng ta thường sử dụng lời nói để biểu đạt ý nghĩ của mình và để trao đổi thông tin với người khác.

Nhưng giao tiếp không chỉ đơn giản là nói chuyện với ai đó, mà trong đó còn bao hàm rất nhiều các vấn đề khác như: Bạn nói như thế nào? Bạn hiểu đối tượng giao tiếp với mình như thế nào? Làm thế nào để có thể hiểu rõ các thông tin cùng trao đổi? Làm thế nào để kết quả giao tiếp như mong đợi?...Tất cả đều cần có kỹ năng giao tiếp.

Ảnh minh họa.

Kỹ năng giao tiếp là khả năng tiếp xúc, trao đổi thông tin, mong muốn, suy nghĩ tình cảm, cảm xúc,…là khả năng thể hiện các mối quan hệ tương tác giữa người này với người khác về các vấn đề khác nhau.

Trong cuộc sống, nếu như kỹ năng giao tiếp của chúng ta không tốt sẽ làm hạn chế đi phần nào khả năng nhận thức, tư duy, suy nghĩ,… Giao tiếp càng tốt bao nhiêu thì khả năng nhận thức càng tốt và hiệu quả bấy nhiêu; khả năng tiếp thu và học tập ngày càng tăng… Không có ai dễ dàng gì chia sẻ những kinh nghiệm của họ cho ta nếu như ta không giao tiếp tốt. Vậy muốn học được nhiều hơn càng cần có một khả năng giao tiếp tốt.

Những cách giao tiếp:

-Giao tiếp bằng lời:

Ngôn ngữ là phương tiện để biểu đạt ý nghĩ của mỗi người. Khi muốn nói chuyện hoặc trao đổi thông tin với một ai đó thì phải sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những thông tin muốn bày tỏ. Ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp mà chúng ta luôn sử dụng hằng ngày. Nhưng để việc giao tiếp có hiệu quả hơn và truyền tải được những thông tin muốn nói một cách rõ ràng và chiếm được tình cảm của người khác là điều mà ai cũng cần học hỏi.

-Những điều cần lưu ý khi giao tiếp bằng lời:

+ Âm điệu của lời nói: Vừa phải, dễ nghe, không cao giọng, nói quá to hoặc quá nhỏ.

+ Khi nói chuyện nên tập trung vào chủ đề đang thảo luận, tránh để tư tưởng bị phân tán dẫn đến không hiểu nội dung câu chuyện.

+ Khi đối tượng giao tiếp đang nói thì ta nên lắng nghe, tuyệt đối tránh ngắt lời hoặc cướp lời của người nói khi họ chưa nói hết ý.

+Trong khi giao tiếp nên tránh nói nhiều quá mà không chú ý đến thái độ của đối tượng giao tiếp hoặc đưa ra nhiều câu hỏi cùng một lúc khiến người khác không kịp trả lời.

+ Khi nói về một chủ đề nào đó, nếu không được rõ thì lúc này nên lắng nghe chứ không nên “nói bừa”, nghĩa là phải đảm bảo sự thành thật và chính xác trong lời nói của mình.

-Giao tiếp không lời (sử dụng ngôn ngữ cơ thể):

Ngoài lời nói, chúng ta còn có thể sử dụng cơ thể để giao tiếp. Ví dụ: gật đầu, vẫy tay, xua tay, nhăn mặt, ánh mắt,…có thể giúp chúng ta biểu đạt tâm trạng, thái độ, tình cảm của mình mà không cần dùng lời nói. Kỹ năng này rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho việc giao tiếp đạt hiệu quả hơn.

-Những điều cần lưu ý khi sử dụng giao tiếp không lời

+ Khi nói chuyện phải quay mặt về hướng người giao tiếp, ở tư thế ngang tầm có thể cùng đứng hoặc cùng ngồi, tránh ở tư thế cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với đối tượng của mình.

+ Nét mặt thể hiện sự niềm nở, biểu hiện sự quan tâm tới lời nói của đối tượng, tùy theo nội dung câu chuyện mà thể hiện sự lo lắng, đồng cảm hoặc vui vẻ…

+ Trong khi giao tiếp nên nhìn vào mắt, duy trì ánh mắt với đối tượng giao tiếp.

+ Có những biểu hiện tán đồng hoặc thể hiện sự lắng nghe như gật đầu chẳng hạn.

(Theo Cẩm nang Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học, NXB GD 2010.)