CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Tại... công nghệ thông tin!

(NTO) Anh bạn tôi vốn được "trời" phú cho năng khiếu hài hước, cho nên dường như đối với anh mọi chuyện dù phức tạp đến đâu cũng trở thành đơn giản bởi cách lý giải dí dỏm để rồi... cười xòa thế là xong. Và thực tế ở địa phương anh là "cây" hòa giải của nhiều gia đình khi cần đến.

Ấy vậy mà mới rồi gặp bạn bè mặt anh cứ "rầu rầu" như "mất sổ gạo" thời còn bao cấp vậy. Chắc là có chuyện gì buồn "sâu sắc" lắm đây. Tôi chọc tức:- Bộ dạo này cạn nguồn chuyện tiếu lâm rồi sao hay bị bà xã cấm kể để trở thành người... nghiêm túc?. Thôi đi ông ơi, được vậy đã là mừng. Tôi rầu ở đây là thấy cái "ngôn ngữ" xử sự của tụi trẻ bây giờ biến đâu mất rồi!. -Ủa, vậy chắc bị câm à?. Thôi phải rồi, ông nói chuyện với tụi nhỏ cao siêu quá nên chúng không "tiếp thu" nổi và đành "câm như hến" cho xong, đúng không!. Tôi hỏi lại nửa đùa, nửa thật. Anh bạn tôi được dịp càu nhàu: - Ông chỉ giỏi suy diễn lung tung. Tôi nói ở đây là nhiều "tụi" trẻ bây giờ ít nói, chỉ thể hiện bằng... cử chỉ. Ví như làm việc gì sai lẽ ra nói lời xin lỗi thì đàng này chúng... lừ mắt, “kênh kênh” trông như... hù dọa!...

Hóa ra, chuyện là vậy và dù tài năng đến mấy anh bạn tôi cũng khó... "chuyển thể" thành hài hước nên "thế thái nhân tình", buồn cho sự nghèo nàn về ngôn ngữ giao tiếp. Ngẫm lại thấy cũng giật mình, vì lẽ thường con người giao tiếp bằng ngôn ngữ, trừ người khuyết tật thể hiện bằng ký hiệu hay nói như dân gian là "ra ni " mà thôi. Vậy mà nhiều người trẻ lại... "khuyết tật" về ngôn ngữ thật!. Cứ thử liên hệ xem, trong cuộc sống thường gặp nhất là trong giao thông: nếu thấy vượt đèn đỏ, bạn nhắc thì sẽ đón nhận lại cái "trừng mắt" đầy ác cảm; chạy xe lạng lách, đánh võng vô tình đụng phải người khác, thay vì hỏi thăm, xin lỗi... thì ngược lại người bị nạn sẽ nhận những cử chỉ xấc láo khó chấp nhận, thậm chí cả lời hăm dọa!. Tôi cũng chứng kiến không ít "nam thanh, nữ tú" làm ở cơ quan này, nọ nhưng tình cờ nghe họ nói chuyện với nhau với bao ngôn ngữ thiếu chọn lọc, nếu không muốn nói là dung tục, cười với nhau "hô hố" như chốn không người. Cả những học sinh nam, nữ thậm chí mới ở bậc tiểu học cũng vậy, mở miệng là câu chửi thề khó nghe!.

Anh bạn tôi cắc cớ đặt câu hỏi:- Trách nhiệm này thuộc về ai?. - Đầu tiên là sự dạy dỗ của gia đình rồi đến nhà trường và xã hội. Tôi trả lời. Nhưng anh bạn tôi không chịu: -Nói như ông thì "kinh điển" quá, ai chả biết. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là tại... tiến bộ của công nghệ thông tin. Này nhé, học trò tiểu học đã được cha mẹ cho dùng điện thoại, tưởng là để quản lý con cái, ai dè tạo điều kiện cho chúng nhắn tin, liên hệ với nhau; học sinh cấp lớn hơn thì thêm phần mở rộng bằng "chát" với nhau... vậy là phần ngôn ngữ sẽ teo tóp để thay bằng cử chỉ, hành động. Ôi thôi "biểu cảm" kiểu đó thì... hết biết!...

Không biết các bậc cha mẹ có con cái như thế thì sẽ nghĩ sao nhỉ!.