Phát huy vai trò, hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất

Trải qua gần 70 năm phát triển và đổi mới, Quốc hội đã và đang phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.

Ngày 6-1-1946, tất cả công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, v.v.. từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội: Cơ quan "quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa. Sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc hội đã lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thông qua bản Hiến pháp (1946) là thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam gần 9 thập kỷ, trực tiếp là 15 năm đấu tranh dưới ngọn cờ Độc lập Tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo, là hiện thực sinh động về thể chế Nhà nước, cộng hòa dân chủ, một loại hình Nhà nước pháp quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam.(1)

Qua gần 70 năm phát triển và đối mới, Quốc hội đã và đang phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.

Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, đến nay, Quốc hội đã xây dựng, ban hành các bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, năm 1959 , năm 1980, năm 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (năm 2001). Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 28/11/2013, Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế, chính trị và hội nhập quốc tế.

 

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với nhiều đổi mới.

Trải qua 13 khóa họp Quốc hội, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tâm huyết và cách làm khoa học, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các Kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kế thừa, phát huy kết quả hoạt động của Quốc hội các khóa trước, nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ cử tri giao phó.

Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều dự án luật được thông qua. Quốc hội đã cho ý kiến, thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia... qua đó giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân, doanh nghiệp, đưa ra các quyết sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri hoan nghênh. Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII đã thông qua 18 dự án luật và 11 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật. Đây là số dự án luật được thông qua nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp.

Thực hiện quyền giám sát tối cao, thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Ðại biểu Quốc hội, công tác giám sát có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, bám sát thực tiễn. Lần đầu tiên, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và tiếp tục được duy trì trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Kết quả lấy phiếu đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri cả nước tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, hoạt động báo cáo giải trình cũng được chú trọng triển khai ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới, đi vào chiều sâu, là cầu nối để các thành viên Chính phủ, Tư lệnh ngành tham gia giải trình, làm sáng tỏ các vấn đề cử tri quan tâm còn vướng mắc, bức xúc. Nhằm bảo đảm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội tiếp tục giám sát thực hiện tại các kỳ họp sau. Về cơ bản, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau.

Cùng với đó, hoạt động ngoại giao nghị viện cả song phương và đa phương tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đáng chú ý, tháng 3/2013, Hội đồng Điều hành, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã thông qua việc Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào đầu năm 2015.

Trong năm 2015, khối lượng công việc của Quốc hội là rất lớn. Để hoạt động của Quốc hội ngày càng phát huy hiệu quả, trước tiên đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng tự đổi mới của các cơ quan của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội. Theo đó, mỗi vấn đề được đặt lên bàn nghị sự phải có tính thực tiễn cao, bám sát diễn biến thực tế của đất nước và hoạt động của Quốc hội, giải quyết kịp thời những vấn đề mà thực tế đòi hỏi.

Song song với việc đổi mới hoạt động Quốc hội cũng cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ của các đại biểu để thực hiện tốt hơn vai trò của người đại biểu nhân dân. Đại biểu phải gắn bó, gần gũi với cử tri mới có thể lắng nghe được tiếng nói tâm huyết, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, cần huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân vào các công việc hệ trọng của đất nước. Có như vậy, mới đáp ứng tốt hơn niềm tin, lòng mong đợi của đồng bào, cử tri cả nước về một Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ và đổi mới...

(1): Nguồn: http:// na.gov.vn

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam