Trường TH Nhơn Sơn A: Chăm lo sức khỏe học sinh

(NTO) Những năm qua, bên cạnh việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường TH Nhơn Sơn A (Ninh Sơn) còn chú trọng đến công tác y tế học đường (YTHĐ), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Năm học 2014-2015, toàn trường có 267 học sinh, biên chế ở 15 lớp, với 92% học sinh tham gia BHYT. Từ năm 2008 đến nay, Trường TH Nhơn Sơn A có nhân viên y tế chuyên trách, có phòng YTHĐ với đầy đủ trang-thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị một số bệnh thông thường, sơ cứu ban đầu cho học sinh…

Nhân viên YTHĐ Trường TH Nhơn Sơn A khám sức khỏe cho học sinh.

Cô giáo Lê Thị Khuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, 6 năm qua, nhà trường luôn quan tâm, duy trì hiệu quả hoạt động YTHĐ; phối hợp cùng Ban Đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền chính sách BHYT; chủ động phối hợp với Bệnh viện GTVT Tháp Chàm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, có phân loại đối tượng và lưu giữ hồ sơ để tiện theo dõi… Hằng tuần, trong giờ chào cờ, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, giáo viên lồng ghép, tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách phòng tránh một số bệnh thường gặp như: cận thị, vẹo cột sống, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, sởi, rubella, rối loạn cơ thể do thiếu i-ốt…; nhân viên YTHĐ phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp, Liên đội trường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh làm vệ sinh phòng học, sân trường, nhà vệ sinh, thu gom rác thải, trồng và chăm sóc vườn cây thuốc nam… Theo anh Hứa Văn Thành, nhân viên YTHĐ nhà trường, trung bình mỗi tháng, Phòng YTHĐ khám và điều trị từ 10-15 học sinh, phổ biến là các trường hợp đau bụng, nhức đầu, chảy máu cam, trầy xước chân tay do té ngã.

Công tác YTHĐ những năm qua được Trường TH Nhơn Sơn A quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy vậy, theo cô giáo Lê Thị Khuyên, việc thực hiện công tác YTHĐ của trường hiện vẫn còn một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế, số lượng thuốc mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sơ cứu ban đầu; nguồn kinh phí phục vụ hoạt động YTHĐ chủ yếu do cơ quan Bảo hiểm Xã hội trích chuyển 12% quỹ khám, chữa bệnh của học sinh tham gia BHYT nên còn hạn chế; nhận thức của phụ huynh, học sinh về YTHĐ, BHYT chưa cao. Bởi vậy, để hoạt động YTHĐ ngày càng chất lượng, thời gian tới, nhà trường tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tham gia BHYT, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cứu ban đầu; bồi dưỡng kiến thức phòng tránh các bệnh học đường thường gặp như cận thị, vẹo cột sống… giúp học sinh có thêm kiến thức bổ ích, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, bạn bè…