40 năm tham gia Olympic Toán quốc tế và những điều thú vị

Năm 2014, đội tuyển Olympic Toán Quốc tế của Việt Nam dự thi tại Nam Phi đoạt ba Huy chương vàng, hai Huy chương bạc và một Huy chương đồng (xếp thứ 10 toàn đoàn). Đây cũng là dấu mốc kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập "đấu trường" quốc tế danh giá này...

Sáu thành viên đội tuyển Olympic Toán năm 2014.

Olympic Toán quốc tế (còn gọi là IMO) dành cho học sinh THPT toàn thế giới được tổ chức lần đầu tiên cách đây 55 năm (năm 1959) tại Ru-ma-ni.

Mùa hè năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt, Việt Nam lần đầu cử đoàn gồm năm người tham dự IMO lần thứ 16 tại Cộng hòa dân chủ Đức thì bốn người đoạt giải (trong đó Hoàng Lê Minh giành Huy chương vàng). Đến năm 2014 vừa qua (sau 40 năm), đội tuyển Olympic Toán nước ta gồm sáu người dự IMO lần thứ 55 tại Nam Phi thì cả sáu người đều đoạt giải, với ba giải vàng, hai giải bạc và một giải đồng; xếp thứ 10 toàn đoàn trong số 101 quốc gia dự thi.

Đánh giá chặng đường 40 năm tham gia IMO, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho rằng, mặc dù nền giáo dục nước ta vẫn còn yếu kém và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa nhưng Việt Nam có thể đào tạo trình độ phổ thông đạt đỉnh cao quốc tế (ở các trường chuyên).

Nhìn lại quá trình "chinh chiến" ở đấu trường quốc tế này, không ít nhà toán học nước ta như GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Toán học, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam; GS, TSKH Ngô Việt Trung (nguyên Viện trưởng Toán học) đều nhận thấy có những điều độc đáo và thú vị. Năm 1974, Việt Nam lần đầu tham gia IMO thì Mỹ - một cường quốc hàng đầu thế giới cũng mới đặt chân đến "cửa ải" này.

Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á tham gia IMO, trong khi các nước như Trung Quốc năm 1985, Ấn Độ năm 1989, Nhật Bản năm 1990... mới đưa người đi dự thi. 40 năm qua, Việt Nam tham dự 37 kỳ thi IMO với 288 lượt học sinh dự thi (trong đó có 16 học sinh dự thi hai năm liền), giành 52 Huy chương vàng, 94 Huy chương bạc, 67 Huy chương đồng, một giải thưởng đặc biệt và ba bằng danh dự.

Tính đến năm 2014, sau các lần dự thi IMO, đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất tại IMO năm 1999 và IMO 2007 (xếp thứ ba toàn đoàn) đều với ba Huy chương vàng và ba Huy chương bạc, còn các kỳ thi IMO khác Việt Nam được xếp hạng một trong mười nước có thành tích cao nhất.

Đáng chú ý là trong số những người tham dự hai kỳ Olympic liên tiếp đã có sáu thành viên từng hai lần giành Huy chương vàng. Đó là Ngô Bảo Châu tại IMO năm 1988 (42 điểm) và IMO 1989 (40 điểm), Đào Hải Long tại IMO 1994 (41 điểm) và IMO 1995 (40 điểm), Ngô Đắc Tuấn tại IMO 1995 (42 điểm) và IMO 1996 (37 điểm), Vũ Ngọc Minh tại IMO 2001 (33 điểm) và IMO 2002 (35 điểm), Lê Hùng Việt Bảo tại IMO 2003 (42 điểm) và IMO 2004 (36 điểm), và Phạm Tuấn Huy tại IMO 2013 (33 điểm) và IMO 2014 (32 điểm).

Đặc biệt trong số những tài năng vừa đề cập, GS Ngô Bảo Châu đã giành giải thưởng danh giá Fild năm 2010. Thí sinh đầu tiên đạt điểm tối đa và cũng là thí sinh duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này, đoạt giải đặc biệt vì có lời giải hay và ngắn gọn bài toán hình học là Lê Bá Khánh Trình (anh đạt 40/40 điểm tại IMO năm 1979 tổ chức ở Luân Đôn).

Thật đáng trân trọng, tính đến IMO năm 2014, Việt Nam đã có 10 thí sinh nữ tham gia "môn thể thao trí tuệ" này và giành được năm Huy chương bạc, năm Huy chương đồng, trong đó Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh đầu tiên của nước ta (chị dự thi IMO năm 1975 và đoạt Huy chương đồng).

Điều không kém phần thú vị nữa là trong các kỳ IMO có hai trường hợp là anh em con chú, con bác đều đoạt giải (Hà Huy Minh -Huy chương đồng IMO 1989, và Hà Huy Tài - Huy chương bạc IMO 1991). Còn thí sinh nhỏ tuổi nhất ở nước ta dự IMO vào năm 1985 khi chưa tròn 15 tuổi là Nguyễn Tiến Dũng (Huy chương vàng).

Kể từ khi tham gia IMO tới nay, Việt Nam đã có ba bài toán được chọn vào một trong các đề thi của IMO, đó là năm 1977 của GS Phan Đức Chính, năm 1982 của PGS Văn Như Cương, năm 1987 của tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Huy chương bạc IMO năm 1975).

Năm 2007, Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi IMO lần thứ 48, kỳ IMO này có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Kết thúc kỳ IMO lần thứ 48, Việt Nam, bên cạnh đạt thứ hạng cao (xếp thứ ba toàn đoàn) còn được bạn bè quốc tế đánh giá là nước tổ chức tốt cả về chuyên môn, cơ sở vật chất trang thiết bị và sự đón tiếp thịnh tình, nồng hậu...

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại / Nhân Dân