Từ ngày 1-1-2015 tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động

(NTO) Từ ngày 1-1-2015, Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11-11-2014 của Chính phủ về Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) sẽ chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thực hiện những quy định mới này ở tỉnh ta.

Đồng chí Trần Anh Việt
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết mức lương tối thiểu vùng tại tỉnh ta được áp dụng theo Nghị định 103 như thế nào?

Đồng chí Trần Anh Việt: Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp (DN), HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Để kịp thời triển khai các quy định nêu trên đến các DN và các đối tượng áp dụng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 5661/UBND-VX ngày 20-11-2014 Hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Nghị định số 103/2014/NĐ-CP. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có các mức áp dụng như sau: Vùng III: Mức lương tối thiểu 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc; Vùng IV: Mức lương tối thiểu 2.150.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái.

Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang lập kế hoạch và triển khai thực hiện từ đầu năm 2015, phối hợp với các ngành liên quan nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng sẽ chi trả vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến, … nhằm bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN, đồng thời tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm lao động sản xuất, hạn chế tranh chấp lao động trong DN.

Phóng viên: Như vậy, đối tượng được tăng lương tối thiểu theo Nghị định bao gồm những ai và được thực hiện cụ thể như thế nào?

Đồng chí Trần Anh Việt: Theo Nghị định trên, đối tượng được tăng lương tối thiểu bao gồm: DN thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động (trừ trường hợp theo Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định là mức lương thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm; trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua đào tạo nghề.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện, nhiều DN có thể “lơ” thực hiện Nghị định nêu trên, vậy Sở LĐ-TB&XH có giải pháp gì để khắc phục?

Đồng chí Trần Anh Việt: Trong quá trình áp dụng Nghị định, tỉnh ta không gặp nhiều khó khăn, bởi việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đã thực hiện nhiều năm nên các DN đã nắm rõ. Năm 2014, các DN đã tìm hiểu và có bước chuẩn bị từ trước về việc tăng lương cho NLĐ. Qua nhiều năm thực hiện, hầu hết các DN đều chấp hành tốt, chi trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN nhỏ do tình hình kinh tế trong năm gặp khó khăn nên chưa chấp hành việc tăng lương đúng quy định; một vài trường hợp lợi dụng tăng lương để cắt phụ cấp trước đây của NLĐ.

Trước thực trạng trên, Sở sẽ tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra nếu có vi phạm sẽ xử phạt theo luật định. Trong Nghị định có quy định rõ các phụ cấp, hỗ trợ của DN đang thực hiện cho NLĐ khi tăng lương không được cắt giảm. Đánh giá kết quả thực hiện việc tăng lương cho NLĐ không chỉ cần sự quan tâm của Công đoàn trong DN, mà chính NLĐ cũng cần lên tiếng khi chế độ dành cho mình chưa được thực hiện. Để thực hiện tốt Nghị định của Chính phủ, trước hết phải tăng cường huấn luyện kỹ năng thương lượng cho tổ chức Công đoàn. Công đoàn các cơ sở sẽ đại diện NLĐ thương lượng với người sử dụng lao động xem xét nâng lương theo đúng quy định. Mức lương tối thiểu vùng có thể xem là mức lương thấp nhất nên trong quá trình thực hiện, các DN có điều kiện nên chi trả cao hơn cho NLĐ để giữ chân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho DN phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!