Giới thiệu bài văn kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh

(NTO) Đối với môn Ngữ văn, việc kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, người học cần phải rèn luyện được những năng lực như: năng lực tư duy sáng tạo, vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống,…Việc ra đề kiểm tra phải phát huy được tư duy sáng tạo của học sinh, tránh lối trả bài máy móc, sao chép kiến thức có sẵn.

Đồng thời, còn giúp học sinh nhận thấy kiến thức trong sách vở không chỉ là văn chương mà còn rất gần gũi, dễ liên hệ, tiếp nhận, tránh việc phô diễn kiến thức kiểu “hàn lâm”, “bác học”, khuôn sáo.

Việc ra đề kiểm tra theo hướng phát triển năng lực người học ở môn Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đang được thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Xin giới thiệu 1 câu trong đề thi học kỳ I-khối 10 chương trình Chuẩn (Cơ bản) và bài làm của 1 học sinh.

Đề câu 3a (5 điểm) chương trình Chuẩn: Viết bài văn tự sự ngắn kể về câu chuyện tưởng tượng: Tôi được gặp ông Bụt.

Bài làm của học sinh Hoàng Thị Khánh Ngân, lớp 10A1:

ĐIỀU QUAN TRỌNG TRONG ĐỜI

- Con ghét mẹ!

Tôi hét lên, đóng sầm cánh cửa lại, leo lên giường nằm khóc thút thít. Làm sao mẹ lại làm thế với tôi chứ, lâu lâu mới có dịp đi chơi với bạn, sao mẹ lại không cho? Tôi cứ khóc mãi cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào không hay…

Trước mắt tôi là một ông lão với mái tóc bạc phơ và chòm râu dài. Tay ông cầm cây phất trần, gương mặt ông phúc hậu nhìn tôi nở nụ cười hiền dịu. Tôi cứ thắc mắc, có lẽ nào là ông Bụt?

- Ông … Ông là ai ạ?

- Ta là Bụt đây – Ông trả lời – Khi nãy ta nghe thấy con gọi ta trong tiếng khóc, con còn bảo ta mang con đi.

Sao lạ vậy ? Không ngờ mình chỉ nhắc có một tiếng mà ông đã xuất hiện.

- Ông ơi, ông mang con đi đi ông! Nơi nào cũng được. Con không muốn ở cái nhà này nữa, mẹ con không thương con nữa!

- Sao con lại nói thế, có người mẹ nào không thương con chứ ? Ông ôn tồn bảo.

- Không đâu ông! Mẹ con không thương con nữa, con xin đi chơi mà mẹ không cho. Ước gì con được quay trở lại hồi còn bé, cái hồi mà con muốn gì mẹ cũng chìu.

- Thật sự con muốn vậy sao! Thôi được, ta sẽ cho con cơ hội quay về quá khứ, đến lúc đó con sẽ hiểu.

‘‘Phụt !’’ Ông Bụt biến mất, để lại tôi rơi vào khoảng không vô định...

Ngày 4-5-1999. ‘‘Oe...oe...oe ! Chúc mừng chị mẹ tròn con vuông ạ!’’ – Cô Y tá bế đứa trẻ trên tay đưa cho mẹ tôi xem. Ôi trông mẹ hạnh phúc chưa kìa. Những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt xanh xao, cơn đau còn giày vò chưa dứt, mẹ vẫn cười. Ôm đứa bé vào lòng, cho đứa trẻ bú, xem kìa, ánh mắt trìu mến đầy yêu thương. Đứa trẻ ấy là tôi chứ ai, hạnh phúc quá, ấm áp quá! Cảm giác giận hờn mẹ vơi đi đâu mất. Tôi lại tiếp tục rơi vào cái khoảng mênh mang ấy, chơi vơi...

Ngày 12-11-2005. ‘‘A lô ! Anh ơi, con bé sốt rồi, phải làm sao đây?’’ – Mẹ gọi điện cho bố, khuôn mặt không giấu nổi sự lo lắng. Đúng rồi, đây là trận tôi ốm nặng hồi lớp Một. Kỳ ấy bố đi công tác, ở nhà chỉ có tôi với mẹ. Mẹ vô cùng lo lắng, một tay không thể làm hết việc được. Nào là đun nước, đắp khăn, nấu cháo, cho tôi uống thuốc,... Tôi ước mình không vô hình như bây giờ, cứ đứng nhìn mẹ tất bật mà không giúp được gì, thật là vô dụng! Ôi gương mặt gầy gò vì lo toan, vất vả nay lại thêm tiều tụy. Thương mẹ quá! Mẹ đang bế đứa bé đang ốm kia ngồi dậy, ôm vào lòng, đút cho nó từng muỗng cháo, miệng không ngớt xuýt xoa. Rồi mẹ đắp khăn cho nó, ru nó ngủ khúc ca êm đềm...

Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi không thể cầm lòng được, nước mắt cứ trào ra. Mẹ ơi! Mẹ đã vất vả vì con như thế, sao con lại không biết thương mẹ, ích kỷ làm cho mẹ buồn lòng! Mẹ ơi, con xin lỗi. Ông Bụt ơi cho con về với mẹ đi ...

Có cảm giác ươn ướt trên mặt, có cái gì đó mềm mại đang lướt trên da tôi. Tôi mở mắt, trước mặt tôi là gương mặt dịu dàng của mẹ. Mẹ khóc, mẹ đang khóc ư? Cảm giác ươn ướt trên mặt là do những giọt lệ của mẹ ư ? Không thể tin được. Tôi cuống quýt ngồi dậy, sà vào lòng mẹ, nước mắt trào ra, tâm can hối hận khôn cùng.

- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Xin lỗi vì đã hỗn láo với mẹ! Mẹ đừng khóc, con xin lỗi ! Mẹ đừng khóc! Con không cần gì cả, chỉ cần mẹ thôi, con không đi chơi nữa đâu!

Mẹ ôm lấy tôi, cười hạnh phúc:

- Không sao đâu con, mẹ hiểu mà. Lẽ ra mẹ không nên nặng lời với con.

Thế là hai mẹ con cứ ôm nhau thật lâu. Cảm ơn ông Bụt. Ông đã cho con cơ hội nhận ra điều quan trọng trong đời.

Với thời gian khoảng 45 phút, viết được bài văn như thế quả là một sự cố gắng, nỗ lực tuyệt vời. Câu chuyện rất sáng tạo, giàu ý nghĩa, có tính giáo dục cao và đậm chất nhân văn.

(Tên câu chuyện do người viết đặt)