Hòa Thủy: Hiệu quả từ mô hình nuôi bò vỗ béo

(NTO) Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đến với Hòa Thủy (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) là có nhiều gia đình nuôi bò vỗ béo. Mô hình nuôi bò vỗ béo đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân địa phương nâng cao đời sống, nuôi con ăn học.

Trao đổi với anh Phan Văn Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Thủy, chúng tôi được biết, toàn thôn hiện có 560 hộ, với 2.870 nhân khẩu. Đời sống người dân dựa vào thu nhập của 50 ha ruộng lúa và 50 ha đất màu trồng hành, dưa, bắp, đậu phọng được tưới từ nguồn nước nhỉ dưới chân động cát. Trong điều kiện đất chật người đông, nên trước đây đời sống cư dân địa phương rất khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, có trên 300 hộ đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như cây bắp, rơm, cây đậu phọng, cám gạo kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc.

 
Nông dân thôn Hòa Thủy nuôi bò đực theo mô hình vỗ béo.

Mỗi gia đình nuôi 2-4 con bò đực lai sind cung cấp sức kéo cho các địa phương. Mua 1 cặp bò đực khoảng 12 tháng tuổi, với giá trung bình 20- 25 triệu đồng. Sau một năm chăm sóc, bán cho thương lái với giá 40- 45 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, bà con được cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng miễn phí các loại vắc-xin phòng bệnh và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo. Nhờ nguồn lợi chăn nuôi bò kết hợp sản xuất nông nghiệp giúp nông dân nâng cao cuộc sống. Các nông hộ vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò vỗ béo hiệu quả như hộ ông Nguyễn Hữu Sao, Lê Bé Cu, Trần Văn Tuấn…

Đời sống người dân thôn Hòa Thủy ngày càng khá giả, bà con tập trung nuôi con ăn học. Hiện nay, toàn thôn có trên 50 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Gia đình ông Dương Thành Thảo có 2 con học Trường Đại học Nông Lâm; ông Phan Thanh Định có con học Trường Đại học Bách khoa; ông Phan Văn Toàn có con học Trường Đại học Xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh…

Anh Trần Thanh, Trưởng Ban quản lý thôn Hòa Thủy đưa chúng tôi đến thăm các nông hộ chăn nuôi bò vỗ béo ở địa phương. Ngừng tay đổ cám gạo cho bò ăn, chị Nguyễn Thị Lắng cho biết gia đình chị mua cặp bò này với giá 28 triệu đồng, dự kiến xuất chuồng vào tháng 2-2015, cặp bò trị giá khoảng 50 triệu đồng. Nhờ canh tác 1 sào ruộng, 2 sào đất rẫy và nuôi bò vỗ béo giúp chị có điều kiện nuôi 3 con ăn học. Trong đó có cháu Trần Thành Tuân đang học năm thứ hai chuyên ngành Điện dân dụng hệ Cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh.

“Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo đem lại nguồn lợi ổn định, giúp bà con phấn khởi chung tay xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn thôn đã bê-tông xi măng gần 1.000 m đường nội thôn. Bà con xây được nhà ở khang trang và đóng góp cùng Nhà nước tiếp tục hoàn thành 1.500 m đường giao thông còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2015”, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Thủy nói.