CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Tại sao không!

(NTO) Có thể nói, một trong những tác nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng phải kể đến rượu, bia. Người “say” tham gia giao thông một khi đã gây ra tai nạn thì không chỉ một mình tự lãnh hậu quả mà thường “kéo theo” người khác do không còn làm chủ được phương tiện, tốc độ…

Thực tế đã có nhiều giải pháp được cơ quan chức năng triển khai thực hiên như đo nồng độ cồn nếu phát hiện có dấu hiệu sử dụng bia, rượu, thậm chí có nơi lực lượng chức năng còn “trực” tại một số quán nhậu, nhà hàng để kịp thời “ngăn chặn” những “con ông trời” quá chén nhưng cứ nghĩ mình “tỉnh ráo” hơn bình thường nên lên xe là “phóng” ào ào và “cái gì đến sẽ đến” đó là… tự gây ra tai nạn. Tuy nhiên, vẫn xử lý không xuể vì hàng ngày có quá nhiều người… nhậu “tới bến”. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã đưa ra ý tưởng là tổ chức dịch vụ đưa người say về nhà!. Được biết, dịch vụ này là ý tưởng nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban nói trên với Hiệp hội rượu- bia- nước giải khát nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất tình huống xấu do người uống nhiều rượu, bia nhưng lái xe gây ra…

Có thể nói, đây là ý tưởng hay và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Thực tế trên địa bàn tỉnh cũng có những quán lớn đã áp dụng hình thức này đối với khách quen hoặc là chở về dùm, hoặc là khuyên khách để xe lại và gọi taxi để đưa về… Cũng có một số thực khách lỡ như vui “quá chén”, cảm thấy tự về không an toàn thì tự giác gởi lại xe ở quán để về nhà bằng phương tiện khác… Thế nhưng số đông thì không mấy ai “chấp nhận” mình say cả dù “chân nam đá chân chiêu”, ngay cả ngồi cũng không còn vững huống chi là đi!. Ấy vậy mà vẫn “khăng khăng” chạy xe về nhà bất chấp mọi lời khuyên, ngay cả việc bạn đưa về cũng không chịu. Đến khi có hậu quả xảy ra mới hối thì đã quá muộn.

Thử đặt câu hỏi vì sao có tình trạng này?. Đã có nhiều câu trả lời, nhưng qua “tham khảo” một số “đế vương” và nhà tâm lý thì có mấy “kết quả” được cho là có nhiều người tán đồng: Một là, nếu tự nhận mình say là… yếu độ, bạn nhậu xem thường mặc dù có… yếu thật!. Hai là, sợ… vợ cằn nhằn cho là ăn uống say xỉn, thiếu tư cách… nên phải tự về để tránh tiếng. Ba là, có hơi men để kích thích “máu” liều, hoặc đua xe hoặc chạy lạng lách, đánh võng trên đường…làm “yên hùng xa lộ”. Điểm này thường “rơi” vào giới trẻ.

Trở lại vấn đề: Liệu dịch vụ nói trên có tổ chức được tại các quán nhậu như ý tưởng của UBATGTQG hay cũng chỉ là… ý tưởng viễn vông như có một số người hoài nghi?. Suy cho cùng, để bảo đảm an toàn, thực hiện đúng quy định, không gây hậu họa cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông thì cũng nên “biết say” để hạn chế “nạp” bia, rượu vào người hoặc nếu lỡ “quá chén” thì chấp nhận say để người khác đưa về bằng dịch vụ taxi hay phương tiện khác. Và tỉnh ta cũng nên triển khai dịch vụ này để chí ít là góp phần giảm tai nạn giao thông. Điều này còn rất cần sự cảm thông của quý bà đối với quý ông hay nhậu vậy. Tại sao không!.