Anh Trịnh Ngọc Thạch thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả

(NTO) Đến An Hải, một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Phước, chúng tôi ghi nhận Ban Phát triển xã và người dân các thôn đang chú ý đầu tư sản xuất theo các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo như: táo, nho, hành (tỏi), bò, dê, cừu.

Đặc biệt trong năm nay, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn tại 2 hộ: Báo Thị Diễm (thôn Tuấn Tú) và Trịnh Ngọc Thạch (thôn Long Bình 1).

Mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ anh Trịnh Ngọc Thạch (thôn Long Bình 1).

Anh Huỳnh Văn Đài, thành viên Ban Phát triển xã An Hải cho biết: Tham gia mô hình này, các hộ ứng dụng kỹ thuật nuôi hoàn toàn mới và cho thấy kết quả ban đầu rất khả quan. Tìm hiểu tại hộ anh Trịnh Ngọc Thạch, chúng tôi nhận thấy điều kiện thuận lợi của hộ anh trước hết là địa thế rộng thoáng. Nằm phía sau khu dân cư thôn Long Bình 1, giáp với đoạn gần cuối kênh Nam, điểm triển khai mô hình nuôi lươn của anh nằm trong khuôn viên nuôi vịt gia đình, có 2 ao chứa nước thường xuyên lấy nước ra vô từ dòng kênh nên không phải lo về nước. Khi tham gia thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn, hộ anh và hộ chị Báo Thị Diễm được Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh hỗ trợ 100% nguồn vốn cho tất cả các việc đầu tư từ con giống, kinh phí xây dựng hồ nuôi, dụng cụ hỗ trợ lọc nước hồ nuôi (máy bơm nước), máy cán thức ăn, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc…Công việc còn lại của hộ anh và hộ chị Báo Thị Diễm chỉ là ra công chăm sóc, nếu thành công sẽ hưởng lợi từ sản phẩn thu hoạch.

Để thả lươn nuôi theo đúng quy trình, anh Thạch cho xây dựng 4 hồ nuôi liền thành một dãy dài gần 15 m có mái che, bình quân mỗi hồ có diện tích 4m2. Đưa chúng tôi ra tham quan mô hình, anh Thạch giải thích: Được Chi cục NTTS tỉnh cấp cho 2.500 con lươn giống thả nuôi từ tháng 7, trong quá trình nuôi có hao hụt tỷ lệ 20%, nhưng số còn lại đang tăng trưởng tốt. Thông thường loài lươn trong tự nhiên sống dưới bùn, nhưng điều thú vị là phương pháp nuôi này không cần bùn nên cần chú ý chăm sóc. Từ những con giống nhỏ cỡ chiếc đũa ban đầu, đến nay đã có trọng lượng trung bình mỗi con 2 lạng. Người nuôi đều yên tâm vì nếu sản phẩm không bán được thì DASU sẽ hướng dẫn thị trường tiêu thụ. Theo anh Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục NTTS tỉnh), khác với nuôi lươn theo kiểu truyền thống, lươn trong mô hình này nuôi trên nền bạt và được thay lọc nước liên tục nên có thể coi đây là một trong những mô hình nuôi mới rất có triển vọng trên địa bàn tỉnh ta nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm thu nhập khi tiếp cận triển khai.

Xã An Hải còn tỷ lệ hộ nghèo khá cao nên Ban Phát triển xã đang phối hợp cùng DASU huyện tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác các chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng thôn, hướng đến giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững. Vì vậy theo anh Huỳnh Văn Đài, hiệu quả từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trịnh Ngọc Thạch mở ra triển vọng có thể nhân rộng trên địa bàn xã, góp phần phát triển thêm chuỗi giá trị vì người nghèo của An Hải.