Vấn đề hôm nay:

Cái “thiếu” của Hợp tác xã nông nghiệp!

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 50 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tăng 5 HTX so với năm 2012 với hàng chục ngàn xã viên. Có thể nói, các HTX luôn đóng vai trò khá quan trọng ở nông thôn và đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX làm ăn có hiệu quả đã trở thành chỗ dựa cho không chỉ xã viên mà còn nông dân địa phương, nhất là hướng dẫn xản xuất có chọn lọc các mô hình mới để vừa tiết giảm chi phí cho đầu vào nhưng tăng lợi nhuận cho đầu ra. Đồng thời còn là đầu mối cung cấp giống mới, vật tư nông nghiệp các loại cho nông hộ với lãi thấp, nợ suốt vụ; bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch... và là “đối trọng” với tư thương trong các khâu dịch vụ để hạ chi phí đầu tư sản xuất. Không chỉ có vậy, thực tế phải được nhìn nhận là HTX còn đóng góp tích cực trong việc xây dựng một số thiết chế văn hóa, góp phần chăm lo phúc lợi xã hội trong cộng đồng xã viên, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn...

 
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Gò Đền (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) phục vụ vật tư nông nghiệp cho xã viên.
Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, hiện tại số HTX hoạt động thực sự có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường còn hạn chế, dịch vụ đơn điệu, không có điều kiện để mở rộng quy mô. Một thực tế nữa là do xã viên hầu hết là khó khăn, ruộng đất ít... nên nếu “mưa thuận gió hòa” thì còn có điều kiện thanh toán chi phí đầu tư cho HTX, còn nếu ngược lại thì...”nợ”, không ít hộ nợ lưu cữu nhiều vụ. Vậy là vốn liếng HTX vốn đã hạn hẹp lại càng hẹp hơn do xã viên chiếm dụng nên không còn điều kiện mở rộng kinh doanh, dịch vụ. Thậm chí có HTX chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa vì Ban quản trị “sợ” xã viên “nợ” khó đòi nên bao nhiêu vốn có được gởi ngân hàng cho chắc, hàng năm lấy lãi để trả chi phí cho Ban quản trị gọi là có ... đóng góp, nếu kết dư kha khá thì chia cho xã viên mỗi hộ… vài chục ngàn “lấy thảo”!

Vấn đề đặt ra là vì sao các HTX lại “yếu” không dám mạnh dạn trước làn “gió” thị trường?. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có mấy cái thiếu. Đầu tiên là thiếu vốn để mở rộng sản xuất bằng việc đầu tư mua máy móc, thiết bị như máy gặt, máy cày, phương tiện vận chuyển, đầu tư sân phơi, kinh doanh vật tư nông nghiệp, lúa giống... thế nhưng việc huy động trong xã viên là không thể vì đa số là nghèo, chỉ còn chỗ “dựa” như các doanh nghiệp khác là đến vay vốn ngân hàng nhưng ngân hàng từ chối hoặc cho vay với số vốn quá...”khiêm tốn” như có giám đốc HTX nói là... chẳng biết làm gì nếu vay!. Lý do bị từ chối là không có tài sản thế chấp!. Cái thiếu thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực quản trị HTX không tương xứng với yêu cầu dẫn đến hoặc là “năng động” nhưng làm trái quy định vì không am hiểu hoặc là “án binh bất động” nên để mất nhiều cơ hội để giúp cho HTX phát triển... Cái thiếu thứ ba là chưa tạo được mối liên kết để tìm đầu ra ổn định, vững chắc cho nông phẩm xã viên làm ra nên nhiều năm qua vẫn luôn “lệ thuộc” vào tư thương, bị o ép về giá cả theo kiểu “mua thấp, bán cao”... Tất nhiên, còn nhiều cái “thiếu” mà các HTX mong muốn được giải quyết. Suy cho cùng, trong cơ chế thị trường để đứng được trên “đôi chân” của mình không chỉ có “tự thân”, mà còn cần có “nguồn lực” vững chắc từ sự hỗ trợ của tỉnh và ngành chức năng liên quan. Trước mắt là bù đắp những cái thiếu như đã nêu.