Sản xuất nông nghiệp: Chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản phẩm cây trồng

(NTO) Trong 4 năm qua (2011-2014), ngành Nông nghiệp thực hiện hàng loạt chương trình đẩy mạnh sản xuất đạt được những kỳ tích mới. Nổi lên là hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ chế biến; sản phẩm táo, nho, tỏi đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thị trường mở rộng.

Địa phương đạt được nhiều kết quả trong sản xuất nông nghiệp ở giai đoạn này đầu tiên phải kể đến huyện Bác Ái. Nằm ở vùng núi cao, đất đai khô cằn, thiếu nước, sản xuất bấp bênh, trước đây người dân Bác Ái thiếu đói liên miên. Thế nhưng kể từ khi hệ thống kênh mương cấp I, cấp II, cấp III thuộc công trình thủy lợi Hồ Sông Sắt hoàn thành, cùng với Hồ chứa nước Trà Co đưa vào sử dụng, hàng ngàn ha đất hoang hóa ở xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Tân, Phước Tiến đã hồi sinh.

Vùng chuyên canh lúa ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

Có nước tưới, địa phương triển khai các mô hình trồng bắp lai, lúa nước, mì cao sản, mía, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa làm chuyển biến, thay đổi phương thức sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện hằng năm đạt hơn 10.750 ha, tăng 2.000 ha so với năm 2010; năng suất lúa, bắp tăng dần từ 3 tấn/ha năm 2010 lên 5 tấn/ha năm 2014. Đặc biệt, trên địa bàn đã hình thành được vùng chuyên canh trồng mía, mì quy mô hàng ngàn ha. Từ một huyện có nền nông nghiệp lạc hậu, Bác Ái nhanh chóng cùng với huyện Ninh Sơn trở thành địa bàn trọng điểm trồng cây công nghiệp phục vụ chế biến của tỉnh.

Những địa phương ở vùng đồng bằng có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng lúa, táo, nho như Ninh Phước, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng đã đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật, liên kết “4 nhà”, sản xuất tập trung trên quy mô lớn. Đáng chú ý trong sản xuất lúa là thực hiện có hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm” đã đạt được mục đích không mở rộng diện tích canh tác đối với loại cây trồng này mà tập trung cho nâng cao giá trị đơn vị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Mô hình ban đầu triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) trong vụ đông-xuân 2010 - 2011, trên diện tích 10 ha với 32 hộ tham gia, đến nay quy mô lên tới hàng ngàn ha, lan rộng ra tất cả 7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Đồng chí Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, cho rằng: Việc các địa phương đẩy mạnh nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” như hiện nay đã góp phần vào thực hiện thành công Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đó là tạo ra những cánh đồng chuyên canh đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Đây là bước “đột phá” mới trong sản xuất lương thực.

Chuyển biến rõ nét nhất đối với sản xuất các loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh là đã tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao được người tiêu dùng trong cả nước ưa thích. Thành công này nhờ có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Năm 2011, Chương trình trồng nho theo quy trình VietGAP triển khai, đến nay đã hình các vùng trồng nho kép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ như ở Khánh Hải (Ninh Hải), Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Phước Thuận, Phước Hậu (Ninh Phước)... Đối với cây táo, đã quy hoạch vùng trồng táo an toàn và triển khai các dự án sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 47 ha, cho 75 hộ ở Ninh Phước, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Nhìn lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn này có thể thấy, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản phẩm cây trồng. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm có sự chuyển biến theo hướng an toàn vệ sinh, gắn kết với chuỗi tiêu thụ. Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Góp phần cho sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả đó là nhờ tỉnh chú trọng phát triển thủy lợi rộng khắp. Trong giai đoạn này, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 8 hồ chứa nước, năng lực tưới tăng thêm 66,55 triệu m3 so với năm 2010, nâng tổng dung tích các hồ trên địa bàn tỉnh đạt 212,7 triệu m3, diện tích tưới tăng thêm 5.579 ha. Nhờ đảm bảo được nước tưới đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đối cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục tham mưu chỉ đạo phát triển sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6-7%. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chỉ đạo mở rộng sản xuất tại khu tưới các hồ thủy lợi mới hoàn thành, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với các loại cây có lợi thế cạnh tranh.