Thế giới trong tuần

1. Biểu tình tại nhiều thành phố của Mỹ đã bước sang ngày thứ 3, nhằm phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt St. Louis, bang Missouri không truy tố viên cảnh sát da trắng D.Wilson đã bắn chết một thanh niên da màu M.Brown hồi tháng 8 vừa qua tại thành phố Ferguson. Hơn 400 người đã bị bắt giữ tại hạt St. Louis và trên khắp nước Mỹ.

Biểu tình tiếp tục lan sang các thành phố khác của Mỹ như Boston, New York, Los Angeles, Dallas, Atlanta. Tính đến nay đã có 13 thành phố lớn của Mỹ xuất hiện phong trào biểu tình nhằm phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn St. Louis. Tại thị trấn Ferguson, tâm điểm của vụ việc, biểu tình đã biến thành bạo lực khi những người biểu tình tiến vào khu vực tòa thị chính và hành hung một sĩ quan cảnh sát. Trong khi đó, tại Anh, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Westminster, Thủ đô London và trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Anh.

Tổng thống Obama không chỉ nhiều lần lên tiếng kêu gọi người dân kiềm chế, mà còn cử các nhóm thuộc Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra Liên bang (FBI) tới xem vụ việc. Cái chết của Brown dưới họng súng cảnh sát, cùng phán quyết Wilson vô tội, một lần nữa châm ngòi tranh luận và chỉ trích về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

2. Vòng đàm phán vừa qua ở thủ đô Vienna của Áo, Iran và P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đã không đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đúng thời hạn chót nhằm khai thông bế tắc trong tiến trình đàm phán kéo dài 12 năm qua, song các bên đã nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng (đến 1-7-2015) để đi đến thỏa thuận này.

Một trong những điểm khác biệt lớn còn tồn tại là Mỹ và các đồng minh phương Tây yêu cầu Iran giảm một nửa số lượng máy ly tâm hiện có để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nhưng Iran kiên quyết bảo vệ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và yêu cầu phương Tây phải ngừng lệnh phong tỏa các tài khoản của Iran ở các ngân hàng nước ngoài.

Tehran muốn ngay lập tức bãi bỏ các biện pháp chế tài trong khi các nước phương Tây chỉ muốn việc này được thực hiện từng bước tùy theo việc Chính phủ Iran tuân thủ các cam kết.

Quy mô tinh chế uranium, số lượng và cấp độ tinh chế các thanh urani cũng là những vấn đề cơ bản hai bên tiếp tục tranh cãi.

Đáng lo ngại hơn, thất bại này có thể kéo theo nguy cơ về một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông, khi các đối thủ truyền thống của Iran ráo riết chuẩn bị cho kịch bản đối đầu với một “cường quốc hạt nhân” tiềm tàng.

3. Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết, đã thu được những kết quả khả quan ban đầu trong thử nghiệm vaccine phòng virus Ebola trên người. Loại vaccine này do Viện Y tế quốc gia Mỹ và hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh đồng nghiên cứu và phát triển, nhằm giúp cơ thể con người sản xuất kháng thể phòng Ebola.

Viện Y tế quốc gia Mỹ đã chọn ra 20 tình nguyện viên khỏe mạnh cho cuộc thử nghiệm vaccine. Một nửa trong số này được tiêm vaccine liều cao và số còn lại được tiêm liều thấp. Kết quả cho thấy trong vòng 4 tuần sau khi tiêm, tất cả các tình nguyện viên đều có sự gia tăng kháng thể chống virus Ebola với hàm lượng tỷ lệ thuận theo liều vaccine được tiêm. Ngoài ra, lượng tế bào miễn dịch CD8 T - yếu tố quan trọng bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể trước virus Ebola cũng tăng lên.

Các chuyên gia cho biết, quá trình thử nghiệm đã không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào của loại vaccine nói trên, ngoại trừ hai trường hợp sốt nhẹ sau khi tiêm. Cũng theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, các thí nghiệm tương tự đang được tiến hành tại Anh, Mali, Thụy Sỹ và sẽ có kết quả sau một tháng.