Nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 24/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có hay không có hội đồng nhân dân 3 cấp là nội dung được nhiều đại biểu góp ý.

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) sau 11 năm thi hành mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương.

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Nội dung tổ chức chính quyền địa phương nhận được nhiều góp ý của Đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên cần thảo luận, cân nhắc thận trọng. Dự thảo đưa ra 2 phương án: Phương án 1 - Ở đơn vị hành chính quận, phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND; Phương án 2 - Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn.

Các đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường. Đại biểu Trần Du Lịch và Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc có hay không có HĐND ở cấp quận, phường phải căn cứ vào hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ có hình thức như ở một số nơi thời gian qua.

Bày tỏ nhất trí với việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, nên lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn. Do đặc điểm lao động đô thị kinh tế chủ yếu là công nghiệp, dịch vụ và hình thành các trung tâm thương mại, công nghiệp dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với mạng lưới hạ tầng khoa học kỹ thuật đan xen, xuyên suốt phi địa bàn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.

“Việc quản lý của chính quyền đô thị chủ yếu là quản lý ngành, lĩnh vực và điều tiết cung ứng các dịch vụ công cộng xã hội. Nếu phân chia thẩm quyền cấp chính quyền quá nhỏ đến phường sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa cát cứ, không đảm bảo các quyền, lợi ích của người dân trong việc phát triển ngành, lĩnh vực cũng như việc cung ứng và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản của xã hội.” - Đại biểu Đỗ Thị Hoàng chia sẻ.

Đa số đại biểu đánh giá việc đưa ra 2 phương án có hay không có HĐND cấp quận, phường tại Dự án luật đều chưa có căn cứ phân tích rõ ràng. Vì vậy Ban soạn thảo cần làm rõ những luận cứ khoa học mang tính thuyết phục hơn.

Không tán thành với các quan điểm trên, các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Danh Út (Kiên Giang), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) và nhiều đại biểu khác đề nghị nên theo phương án 2 tức là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị: “Việc thiết kế chính quyền địa phương vẫn phải theo hướng, tổ chức các cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính như phương án 2 của dự thảo là phù hợp. Mô hình này là đúng với nguyên tắc rất quan trọng của một thiết chế dân chủ ở đâu có quyền lực, ở đó có sự giám sát quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, để tổ chức chính quyền địa phương theo hướng có sự phân biệt để phù hợp với điều kiện của từng khu vực nông thôn, đô thị, đề nghị mặc dù vẫn thiết kế mô hình 3 cấp như hiện nay, nhưng Ban soạn thảo cần nghiên cứu để làm rõ sự khác biệt cơ bản giữa chính quyền ở khu vực đô thị so với chính quyền ở khu vực nông thôn”.

Tán thành với quan điểm của đại biểu Trần Minh Diệu, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng: Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều này đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND thì ở đó mất đi một công cụ pháp lý hũu hiệu. Để góp phần cho địa phương phát triển toàn diện, đúng hướng, bền vững và lành mạnh, tổ chức HĐND là thiết chế hiến định; hoạt động của HĐND bị coi là hình thức là do chưa giao cho HĐND những cơ chế, công cụ đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình.

“Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là cấp quận, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở cấp đó sẽ ra sao? Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương có bảo đảm tính dân chủ không? Có sự khác nhau như thế nào về việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước khi cùng một cấp hành chính mà nơi có HĐND nơi không có HĐND? Vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND cũng khác nhau, điều này sẽ tạo ra sự không thống nhất trong cả tổ chức và thực hiện” – đại biểu Vinh đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, không nên theo phương án không có HĐND ở cấp quận, phường, vì việc tổng kết, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường thời gian qua chưa đủ khẳng định kết quả vì thiếu cơ sở lý luận. Về mặt thực tiễn cũng chưa đủ sức thuyết phục cho việc bỏ HĐND ở cấp quận, phường, do vậy đề nghị để phương án 2. Các ý kiến này cho rằng, sự khác nhau của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương ở chỗ do đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau nên phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau, nhưng tính nhân dân, tính đại diện cho quyền lực của nhân dân không hề thay đổi. Tính nhân dân thể hiện ngay trong tên gọi HĐND và UBND. Do vậy, việc soạn thảo luật cần làm sâu sắc thêm tính nhân dân của chính quyền nhà nước, không thể vì quá đề cao chức năng quản lý hành chính nhà nước mà để phai mờ tính nhân dân của chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Lê Anh Sơn (Nam Định) góp ý: “Chúng ta không nên và đừng bao giờ quên HĐND với tư cách là cơ quan dân cử đại diện cho nhân dân là thành quả của nền dân chủ, tất cả các nước người ta đều làm. Nước nào trước không có HĐND, bây giờ người ta đang chuẩn bị làm HĐND. Ta thì lại bỏ đi. Tôi đề nghị là lần này chúng ta thảo luận Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cũng là lúc chúng ta tuyên bố, chấm dứt cuộc thí điểm không tổ chức HĐND”.

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và các Nghị quyết thi hành các Luật này; thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam