Quốc hội thông qua Luật hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi)

Sáng 21/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam với 404/409 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.

 Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 
của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam (Luật HKDD VN) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày trước khi các đại biểu Quốc hội “bấm nút” biểu quyết thông qua luật cho biết, việc quy định Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không là hợp lý.

Quy định như vậy, một mặt để phù hợp với thẩm quyền đã được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ; mặt khác, nhằm bảo đảm sự ổn định, không phải sửa Luật trong trường hợp thay đổi tên gọi của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu nhất trí quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không như trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị Nhà nước cần quyết định giá dịch vụ phi hàng không. Ý kiến khác lại đề nghị để giá dịch vụ phi hàng không phải được điều tiết theo cơ chế thị trường trên cơ sở đấu thầu việc cung cấp dịch vụ này tại cảng hàng không, sân bay.

Giải trình vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu.

Đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Về quy hoạch cảng hàng không, sân bay, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc về quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay, nhất là cảng hàng không quốc tế nhằm tránh việc mở tràn lan, gây lãng phí nguồn lực và đất đai; đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch mạng lưới sân bay chuyên dùng để bảo đảm an toàn bay.

Giải trình về vấn đề trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay cho phù hợp với pháp luật về xây dựng.

Đối với sân bay chuyên dùng được xây dựng xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của tổ chức, cá nhân phục vụ cho mục đích riêng như: bệnh viện, du lịch, giàn khoan, cứu nạn, cứu hộ... Việc bảo đảm an toàn bay, tránh ảnh hưởng đến đường bay sẽ được bảo đảm qua công tác cấp chứng nhận đủ điều kiện bay, đủ điều kiện khai thác tàu bay, cấp phép bay và việc quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng đã được quy định trong Luật.

Giải trình về ý kiến đề nghị cần có chính sách phát triển hãng hàng không giá rẻ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết biết, vận chuyển hàng không giá rẻ đang được phát triển và chiếm khoảng 30% thị phần vận chuyển hàng không của Việt Nam. Để giảm giá thành vận chuyển hàng không giá rẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cắt, giảm những dịch vụ, chi phí phục vụ không cần thiết.

Việc sử dụng cảng hàng không, sân bay để vận chuyển giá rẻ còn phụ thuộc vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay và sự tính toán hiệu quả của nhà đầu tư; nhu cầu đi lại của hành khách. Mặt khác, việc tận dụng riêng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay cũ cho hãng hàng không giá rẻ khó có thể hạ giá thành vì phải chịu chi phí riêng cho nguồn nhân lực, việc thuê cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết với 404/409 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Luật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam