Vai trò của nhân viên tại các điểm truy nhập công cộng

Tại các điểm tiếp nhận Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (Dự án BMGF-VN) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhân viên đứng điểm có vai trò quan trọng trong việc phát huy hiệu quả dự án. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các nhân viên đứng điểm, người dân sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và sử dụng máy tính, internet.

Đến thời điểm này, Dự án Dự án BMGF-VN đã triển khai tại Ninh Thuận được gần 1 năm. Nhờ việc trang bị máy tính có kết nối internet cho các Thư viện công cộng và điểm Bưu điện Văn hóa xã, người dân Ninh Thuận có cơ hội được tiếp cận với máy tính và internet, tìm kiếm những thông tin hữu ích trên mạng internet để phục vụ cho học tập, sản xuất cũng như cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, nhiều người dân do không có kiến thức về tin học nên còn khá e ngại trong việc đến sử dụng dịch vụ tại các điểm truy nhập công cộng. Hiểu rõ tâm lý này, Dự án BMGF-VN đã tổ chức đào tạo cho các nhân viên đứng điểm, giúp họ có kiến thức và kỹ năng để hướng dẫn người dân cách thức sử dụng máy tính và internet.

Tuy nhiên, ghi nhận tại Ninh Thuận cũng như các địa phương khác đang triển khai Dự án BMGF-VN cho thấy, việc đảm bảo nhân viên cho các điểm cũng là một khó khăn khi vận hành dự án. Thực tế đã có những nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện Văn hóa xã xin nghỉ việc do thu nhập thấp. Hiện nay, ngoài cơ chế thù lao, hoa hồng dịch vụ theo quy định, VNPOST đã hỗ trợ thêm cho nhân viên làm việc tại các điểm triển khai dự án 200.000 đồng/điểm/tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn, và Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, VNPOST đang tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm thu nhập cho nhân viên các điểm Dự án.

Ninh Thuận là 1 trong 16 tỉnh tham gia Dự án BMGF-VN trong bước 2, giai đoạn II. Theo đó, Ninh Thuận được trang bị tổng cộng 205 bộ máy tính, phân bổ tại Thư viện tỉnh, 6 thư viện huyện, 6 thư viện xã và 15 điểm Bưu điện-Văn hóa xã.