CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Hãy đến bằng lòng kính trọng!

(NTO) Hàng năm, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) là ngày mọi thế hệ học trò tưởng nhớ, tri ân đến những người thầy đã “khai sáng” trí tuệ, tâm hồn của mình để vững tin “hòa nhập” vào đời sống, đóng góp cho xã hội bằng những tri thức mà nhiều người thầy đã truyền thụ lại với bao tâm huyết, với “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Có người đã ví von người thầy như “con tằm nhả tơ” để “dệt” nên những “tấm lụa” quý cho đời, đó là các thế hệ học trò. Đã thế nên chỉ cần tấm lòng nhớ đến người thầy bằng sự kính trọng là đủ. Ai đó đã nói rất hay rằng: - Ngày 20-11 là ngày học trò “dâng” lên người thầy của mình những “đóa hoa lòng”. Thật trân quý biết bao, giá trị biết bao mà không có vật chất nào có thể so sánh…

Học sinh Trường THPT Tháp Chàm tặng hoa thầy cô giáo. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, trong thực tế cùng với sự phát triển của xã hội nhiều giá trị cũng đổi thay cho phù hợp, trong đó “hình thức” để tri ân người thầy cũng không ngoài “dòng chảy” này. Để chuẩn bị đón mừng Ngày Nhà giáo, nhiều trường học trong tỉnh đã có những hình thức tổ chức phong phú, thiết thực, tạo sự hiểu biết, gắn kết, gần gũi giữa thầy với thầy, phụ huynh với thầy và học trò với thầy. Điều không thể thiếu là học sinh đến chúc thầy không chỉ lời chúc đơn thuần mà kèm theo đó là… “hiện vật” cũng không kém phần phong phú. Học trò nghèo thì tặng lời chúc hay bó hoa tươi thắm cắt trong vườn nhà, khá thì tặng những vật phẩm có giá trị hơn..., tùy từng phụ huynh. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp phụ huynh “nhân” ngày này đã “biếu” thầy, cô những món quà tặng có giá trị cao không ngoài mục đích tạo sự thân thiện hơn, chú tâm giúp đỡ con em mình nhiều hơn trong học tập. Có “tặng” tất có “nhận” và đã nhận thì như người xưa từng nói: “Bánh ít trao đi thì bánh chì trao lại” mà lẽ ra phải hiểu rằng “của biếu là của lo, của cho là của nợ” để rồi phải nặng lòng đền trả. Đã thế thì tất nhiên sẽ mất đi tính khách quan trong đánh giá kết quả của học trò, hay nói khác hơn là có sự thiên vị. Điều này tạo nên hậu quả là: Tâm hồn trong sáng của học sinh sẽ bị “vẫn đục” để từ đó đánh mất niềm tin yêu, quý trọng đối với người thầy trực tiếp dạy mình, sâu xa hơn sẽ là yếu tố để làm giảm dần ý nghĩa về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Tất nhiên là, một khi xã hội ngày càng phát triển thì đời sống vật chất của nhiều người cũng khá lên. Thiết nghĩ, cũng đừng vì vậy mà quy đổi tấm lòng, quy đổi sự trân trọng của phụ huynh, học sinh bằng giá trị vật chất của những món quà…

Hãy đến với người thầy bằng tất cả lòng kính trọng để tri ân nhân ngày Nhà giáo.