Bài ca sư phạm

(NTO) “Mai sau lớn lên rồi, làm sao có thể nào quên? Ngày xưa thầy dạy dỗ, khi em tuổi còn thơ…”. Lời bài hát giản dị mà gần như ai cũng thuộc ấy cứ mỗi lần vang lên lại đánh thức bao cảm xúc dạt dào về những người thầy trong lòng mỗi chúng ta.

Tuy hình ảnh người thầy có những đổi khác nhất định trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhưng tựu chung lại, họ vẫn là những nhà giáo, nhân tố quyết định chất lượng của nền giáo dục. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, lời dạy của Bác Hồ giản dị mà sâu sắc, đã khái quát vai trò quan trọng của nền giáo dục trong sự phát triển của đất nước. Chính ý nghĩa cao cả của sự nghiệp “trồng người” và truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc mà hằng năm, cứ đến ngày 20-11, mọi người đều hướng những tình cảm tốt đẹp tri ân thầy cô giáo.

 
Hai thế hệ nhà giáo Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: Sơn Ngọc.

Người thầy không chỉ truyền dạy các kiến thức trong sách vở, mà còn phải đóng vai trò là người hướng dẫn, thúc đẩy sự tư duy, sáng tạo của học trò, đồng thời khơi gợi và hướng các em đến chân – thiện – mỹ. Đó chính là lý tưởng cao đẹp của giáo dục, như chính nhà văn – nhà giáo Anton Semyonovich Makarenko đã gửi gắm trong cuốn sách “Bài ca sư phạm” – tác phẩm tuyệt vời với phương châm “giáo dục là thiết kế cái tốt trong mỗi con người”.

Bản thân người thầy cũng chính là một tấm gương để các thế hệ học sinh noi theo. Chính vì vậy, cách sống, cách lao động, giảng dạy và học tập của mỗi nhà giáo ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm, cách nhìn nhận cuộc sống và ứng xử của học trò. Điều đó giải thích vì sao ký ức về những người thầy trong cuộc đời mỗi người thường gắn liền với những bài học sâu sắc, mà phần lớn là những bài học làm người. Sự nhiệt tâm và tình yêu thương của những nhà giáo sẽ lan tỏa, bồi đắp thêm tin yêu, chấp cánh cho những ước mơ, khát vọng của học trò.

 
Cô và trò Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M

Mở rộng khái niệm “người thầy”, ta thấy “thầy” có thể là bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào trong đời người. Thầy chính là cha mẹ đã nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người, cũng là những đồng nghiệp với sự bổ trợ kiến thức chuyên môn trong thực tế công việc, là chính người bạn tri kỷ chia sẻ những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, là những người ta yêu, ta ghét, những người ta gặp gỡ, tiếp xúc… Mỗi bài học, dù nhỏ, cũng đều được truyền dạy từ một ai đó. Thế nên, trân quý và mến yêu từng con người như thế là mở rộng tâm hồn mình, để tạo nên một cuộc sống chan hòa, bao dung hơn.

Khi việc học tập là suốt đời, người thầy, dù ở trường học hay trường đời, đều góp phần tạo nên tri thức và nhân cách của mỗi người trong chúng ta. Vì lẽ đó, xin gửi lời chúc mừng và biết ơn đến tất cả những nhà giáo, những “người đưa đò” thầm lặng, tâm huyết với sự nghiệp “ươm mầm” tương lai Đất nước.