Làm thế nào để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận phát huy hiệu quả?

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) là nội dung thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

 ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: dangcongsan.vn)

Về cơ bản, các ý kiến tán thành với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng, dự án Luật trình Quốc hội lần này về cơ bản đã thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn bản khác của Đảng; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp.

So với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của MTTQVN đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQVN (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN (Chương VI), Dự thảo quy định: Đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội (Điều 34 mới) là dự thảo các văn bản pháp luật; chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ. Khi có yêu cầu, Ủy ban MTTQ chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy định tại khoản 1 điều này...

Theo đại biểu (ĐB) Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), mục tiêu của phản biện xã hội là để tham gia xây dựng Nhà nước, do đó không nên chỉ giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra MTTQ không được phản biện chính sách có hiệu lực là ngược với thực tiễn, vì trong cuộc sống chính sách luôn thay đổi và sẽ “lỗi thời”.Vì vậy cần giám sát, phản biện với các văn bản, chính sách đã có hiệu lực.

Về quy định MTTQ có quyền kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước; dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng tỏ ra băn khoăn trong trường hợp kiến nghị bị làm ngơ không tiếp thu, nhất là việc “nước sôi lửa bỏng” thì sao?. Do vậy, ĐB Nghĩa đề xuất, trong trường hợp này, MTTQ phải có quyền gửi kiến nghị lên cấp trên của cơ quan không thực hiện.

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, giám sát phản biện xã hội của MTTQ là giám sát của nhân dân, của xã hội, do đó sau giám sát, phản biện phải có cơ chế xử lý.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị, quy định trách nhiệm của các cấp phải trả lời ý kiến giám sát của MTTQ. “Không trả lời thì kiến nghị lên cấp trên, cuối cùng đưa ra Quốc hội để xử lý", ĐB Tính đề xuất.

Dẫn chứng Điều 33 dự thảo Luật quy định phản biện xã hội phải mang tính nhân dân và phải đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào phản biện xã hội, tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) khó nhất cơ chế hình thức, nếu chỉ quy định hình thức phản biện như ở dự thảo Luật là hội nghị và gửi văn bản thì rất hạn hẹp, đề nghị nghiên cứu thêm một số hình thức để người dân ở cơ sở dễ tham gia như: tham vấn, diễn đàn, hộp thư, tổ chức cuộc thi phản biện, phản biện qua mạng internet...

ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, nghiên cứu bổ sung MTTQ có thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về tổ chức, nhân sự qua giám sát của MTTQ nếu phát hiện thấy cán bộ công chức sách nhiễu dân. Bởi thực tế, một số vi phạm nằm ngoài chức danh dân bầu.

Nhấn mạnh không được coi nhẹ giám sát của MTTQ, giám sát của MTTQ chính là giám sát của nhân dân, Hiến pháp giao cho MTTQ giám sát bảo vệ quyền, lợi ích nhân dân, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đặt vấn đề: “Vậy không giám sát cán bộ, chính quyền thì làm sao làm tròn được nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân?”.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam