Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - chìa khóa để cải cách môi trường kinh doanh

Chiều 10/11, Quốc hội làm việc tại hội trưởng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung cụ thể về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp…

Tham gia góp ý dự thảo Luật, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là dự án sửa đổi luật lớn, quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong việc tổ chức, quản trị và hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Doanh nghiệp có hình hài như thế nào, vận hành ra sao, thành lập và chấm dứt thế nào đều dựa cả vào Luật này. Vì vậy, cùng với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Dự Luật này là tâm điểm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và là chìa khóa để cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam thời gian tới.

 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

ĐB Vũ Tiến Lộc góp ý, việc đưa vấn đề nhà đầu tư trong nước - nước ngoài sang Luật Đầu tư là hoàn toàn hợp lý, bởi doanh nghiệp chỉ là một hình thức đầu tư bên cạnh nhiều hình thức đầu tư khác mà các nhà đầu tư trong nước – ngoài nước có thể lựa chọn. Tuy nhiên, cũng vì lý do này mà việc kết hợp giữa 2 Luật (Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Doanh nghiệp) liên quan tới nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần hết sức nhuần nhuyễn.

Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thiết kế lại các quy định liên quan nhà đầu tư nước ngoài theo đó: Bỏ tất cả các yêu cầu về bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài; và trong thủ tục xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ phải xem xét ngành nghề kinh doanh dự kiến của nhà đầu tư căn cứ vào Danh mục ngành nghề kinh doanh mở cửa có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài để quyết định việc có cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị cần phải làm rõ khái niệm, tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền thành lập của doanh nghiệp xã hội, trong đó yêu cầu quy định rõ doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp phi lợi nhuận, tái phân bổ lợi nhuận cho cộng đồng và xã hội.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Văn Sơn cho hay, trong dự thảo, một số nội dung tạo điều kiện cho cấp giấy phép, chứng chỉ, hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội. Ở một số địa phương đã có hỗ trợ đến tận hộ sản xuất kinh doanh. Trong dự Luật này không quy định cụ thể nhưng phải tạo điều kiện ưu tiên, để doanh nghiệp xã hội có đóng góp tốt hơn nữa cho sự phát triển kinh tế chung. Và đây là loại hình cần được quan tâm để cùng với các loại hình doanh nghiệp khác phát triển kinh tế.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, nhiều doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn, trốn thuế, lậu thuế, thêm nữa, hàng ngàn doanh nghiệp nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm của công nhân mà không thu hồi được. Có những doanh nghiệp kinh doanh vũ trường, bar, karaoke một thời gian rồi giải thể để trốn tránh nghĩa vụ thuế, sau đó, tại địa điểm đó, lại xuất hiện doanh nghiệp mới với tên mới, nhưng cùng kinh doanh về lĩnh vực đó, cùng một người chủ đó…

Theo ĐB Ngọc Ánh, việc lập 1 doanh nghiệp làm xong 1 dự án rồi giải thể, không bị thanh tra, kiểm tra… Như vậy, Luật cần có quy định ràng buộc vì trước đây, Luật Doanh nghiệp đã quy định chặt chẽ rồi mà còn bị lách luật để lại hậu quả lớn thế, nhưng nay chúng ta lại thông thoáng như thế này thì việc kiểm soát sẽ ra sao?.

Về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là văn bản hoặc bản điện tử, nhưng thực tế, khi làm việc với các đối tác, doanh nghiệp luôn phải cung cấp bản sao. Nếu là bản điện tử thì phải thực hiện thêm 1 thủ tục yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp bản sao. Khi đó doanh nghiệp phải trả chi phí cho việc này, điều này gây phiền hà và phát sinh thêm chi phí.

Một số ý kiến thảo luận tán thành quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì theo Luật Doanh nghiệp hiện hành thì doanh nghiệp phải đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận, khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết và gây rủi ro cho doanh nghiệp.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) góp ý, Dự thảo có nhiều thay đổi về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhưng cần phải được minh bạch hoá các quy định của pháp luật. Hiện con dấu của doanh nghiệp là vấn đề phức tạp và có nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng. Dự thảo cần có những quy định cụ thể để giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là giá trị pháp lý của hợp đồng khi doanh nghiệp ký kết không có con dấu, nghĩa là có người đại diện ký kết nhưng không có con dấu, hoặc ngược lại, có con dấu nhưng người ký lại không đúng thẩm quyền.

Do đó, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị cần nghiên cứu kỹ về điều này để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như có biện pháp để đảm bảo con dấu có giá trị pháp lý. Con dấu do người đại diện pháp luật của doanh nghiệp quản lý nhưng với những doanh nghiệp có nhiều người đại diện thì việc quản lý được quy định như thế nào? Trường hợp có sự tranh chấp, lạm quyền của một người đại diện thì những người còn lại xử lý ra sao?./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam