Mưu sinh từ nghề làm thúng chai

(NTO) Trở lại cửa biển thuộc phường Đông Hải, chúng tôi gặp những chiếc thúng chai neo dày ven đê chắn sóng. Những người dân mưu sinh trên thúng chai tất bật chuyển cá lên bờ sau chuyến giăng lưới sớm. Chiếc thúng chai xưa nay gắn bó thiết thân với đời sống cư dân vùng ven biển tỉnh ta.

Cẩn thận kéo dây cột chặt chiếc thúng chai vào bờ, anh Trịnh Xuân Thành 42 tuổi (ở phường Đông Hải, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, gia đình anh và nhiều ngư dân ở đây sinh sống nhờ vào con tôm, con cá vùng nước chà hai ở gần cửa biển. Với chiếc thúng chai, anh giăng lưới đánh bắt cá đối, tôm, cua từ cửa biển lên tới cầu An Đông. Mỗi ngày cần mẫn giăng lưới, anh Thành có thu nhập khoảng 150 ngàn đồng. Vào vụ cá Nam, anh gởi thúng chai theo thuyền công suất lớn chở ra câu mực vùng biển cách bờ vài chục hải lý. Nghề câu mực tối đi sáng về, mỗi chuyến biển rủng rỉnh bỏ túi 500- 700 ngàn đồng. Mấy chục năm lặn lội mưu sinh trên chiếc thúng chai, anh Thành bảo đảm cuộc sống gia đình đủ ăn đủ mặc, nuôi hai con ăn học.

Nghề làm thúng chai ở Xóm Gò thuộc phường Đông Hải.

Theo hướng chỉ tay của anh Thành, chúng tôi tìm tới các cơ sở chuyên làm thúng chai Xóm Gò, thuộc khu phố 11, phường Đông Hải. Tiếng chẻ tre, tiếng dùi đục đánh nan vang vọng cả xóm. Ông Lê Ngọc Ảnh, 68 tuổi là một trong những chủ cơ sở sản xuất thúng chai mang “thương hiệu” Bảy Nam có nghề làm thúng cha truyền con nối. Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, ông Ảnh đã cho “xuất xưởng” cả ngàn chiếc thúng chai. Nay tuổi cao sức yếu, ông truyền nghề lại cho hai người con trai là Lê Ngọc Vang và Lê Ngọc Vũ nối nghiệp cha. Anh Vũ đã từng tốt nghiệp kỹ thuật viên máy tính của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Trở về quê, đam mê đan thúng chai, anh Vũ có hơn mười năm gắn bó với nghề. Theo ông Ảnh, nghề làm thúng chai đòi hỏi sự khéo léo của người thợ từ việc chọn tre, ra nan đến đan thúng, cặp vành. Thúng chai chịu đựng tốt với sóng nước, có thể sử dụng 5-7 năm. Đây là phương tiện không thể thiếu trong nghề câu mực, nuôi rong sụn, thả lưới hai, lưới giũ ven bờ. Trung bình mỗi tuần, cơ sở ông Ảnh “hạ thủy” hai chiếc thúng chai với giá 2,7 triệu đồng/chiếc. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi người thợ làm thúng có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Thúng chai xuất xứ từ Xóm Gò trở thành phương tiện mưu sinh cho hàng ngàn ngư dân ở tỉnh ta.