Ngành Công Thương với nỗ lực "về đích"

(NTO) Từ đầu năm đến nay, nhìn chung sản xuất công nghiệp (CN) tỉnh ta vẫn giữ đà tăng trưởng khả quan, đặc biệt xuất khẩu thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để ngành CN hoàn thành mục tiêu trong những tháng cuối năm.

Những dấu hiệu lạc quan…

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong tháng 10, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN tỉnh ta vẫn đạt 422,2 tỷ đồng, tăng 11,2%, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) trong 10 tháng tăng 37% so với năm trước. Kết quả trên cho thấy, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang dần tháo gỡ được khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Vận hành kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Sông Ông. Ảnh: Văn Miên

Có mặt tại Công ty TNHH May Tiến Thuận vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi nhận thấy hoạt động sản xuất của DN diễn ra khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Khắc Danh, Kế toán trưởng công ty cho biết: Năm 2014, Công ty đã ký đơn đặt hàng may gia công 1.440.000 sản phẩm, xuất sang các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan. Để hoàn thành kế hoạch, DN đã đầu tư mở rộng từ 25 chuyền lên 27 chuyền sản xuất, nhờ đó từ đầu năm đến nay, đơn vị sản xuất được 1.130.000 sản phẩm, doanh thu đạt 104 tỷ đồng, góp phần đưa sản phẩm may mặc tăng 40,2%. Điểm đáng lưu ý là từ ngày mở thêm 2 chuyền sản xuất, Công ty không chỉ giải quyết việc làm mới cho 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng, trong 10 tháng đơn vị còn nộp ngân sách cho tỉnh 12 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Đối với Công ty Dệt Quảng Phú, dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng trong quá trình sản xuất, DN đã đặt ra tiêu chí: “nhanh - bền - đẹp”, nhằm đảm bảo đúng thời gian giao sản phẩm, mẫu mã đẹp và độ bền của sản phẩm cao nên đã tạo được uy tín với thị trường, đưa giá trị sản phẩm khăn bông các loại của DN tăng gấp 2 lần so với tháng trước.

Một số sản phẩm chủ lực khác như: Chế biến tôm đông lạnh bắt đầu ổn định sản xuất và thị trường nên đã tăng 83,8%, xi măng tăng 46%, gạch không nung tăng 36%, điện thương phẩm tăng 29%, gạch nung tăng 18%. Đặc biệt, sản phẩm bia đóng lon đã phát huy công suất, trong 10 tháng sản xuất gần 3,6 triệu lít, tăng 9,1% so với cùng kỳ, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành khá lớn.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.

Về hoạt động xuất khẩu, trong tháng 10 ước đạt 7,09 triệu USD, tăng gần 27% so với tháng trước và hơn 70% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản đạt 4 triệu USD, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt mặt hàng tôm đông lạnh phát huy năng lực tăng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 40,14 triệu USD, đạt 57,3% kế hoạch. Đánh giá về tình hình xuất khẩu, đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nhân tố tác động làm giảm giá trị xuất khẩu của tỉnh là do các DN chế biến hạt điều đang chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài, như giá nguyên liệu đầu vào biến động, thị trường tiêu thụ khó khăn. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, mới như đá granite, sản phẩm từ gỗ, khăn bông, thủ công mỹ nghệ..., tham gia không đáng kể, chưa thường xuyên và chưa phát huy được nội lực tương ứng do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Khó khăn trên tuy có ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành, nhưng nhìn tích cực hơn, đây là cơ hội giúp các DN xuất khẩu nội tỉnh có cơ hội tái cơ cấu lại sản xuất và tìm kiếm thị trường mới theo hướng có lợi hơn.

Dồn sức cho những tháng cuối năm

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, tỉnh ta phấn đấu đưa giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp đạt 2.706 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 55 triệu USD, đưa mức tăng trưởng chung đạt khoảng 24,2% so với kế hoạch. Tuy nhiên, đánh giá một cách quan cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu trong những tháng cuối năm của ngành Công Thương sẽ gặp không ít khó khăn, bởi từ chiều ngược lại cho thấy, vẫn còn rất nhiều sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Chế biến hạt điều giảm 15%, điện sản xuất giảm 4,7% do Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thực hiện sửa chữa 1 tổ máy. Riêng sản phẩm tinh bột mì dù đã vào hoạt động niên vụ mới từ ngày 2-10, nhưng đến nay sản xuất chưa ổn định, chỉ ước đạt 1.100 tấn, đạt 61,3% kế hoạch và giảm 39% so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo đơn vị cho biết, nguyên nhân là do thời gian qua nắng hạn kéo dài, sản lượng mì trong tỉnh thu hoạch đạt thấp và trễ so với vụ mùa, còn nguyên liệu mua ngoài tỉnh giá lại cao, nên nhà máy đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Trước những diễn biến bất lợi nêu trên, hiện Sở Công Thương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất CN và xuất khẩu. Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan cho biết: Thời gian còn lại của năm 2014 không nhiều, do vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành, ngoài việc vận động các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có, chúng tôi sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đối với các dự án thuộc lĩnh vực CN chế biến và theo dõi tình hình triển khai các dự án đầu tư mới, đang tiếp tục đầu tư như: Trung tâm Thương mại Maximark Phan Rang của Công ty Cổ phần đầu tư An Phong..., để nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, tạo thêm sản phẩm mới và tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành. Cùng với đó, ngành tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước, giúp cho DN nội tỉnh chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phối hợp các ngành, địa phương tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kích cầu tiêu dùng trong nhân dân.